Theo đó, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan tới bà Trương Mỹ Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan, giá trị quy đổi là hơn 12.313 tỷ đồng.
Danh sách tài sản bị kê biên hé lộ thêm hàng loạt BĐS liên quan bà Trương Mỹ Lan. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Đáng chú ý, trong số tài sản được kê biên có 82% cổ phần tại công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Vietnam, trụ sở tại Hà Nội) do Trương Mỹ Lan và tập đoàn VTP giao cho một số cá nhân và tổ chức đứng tên. Trị giá khoản cổ phần này tương đương 492 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, 82% cổ phần công ty FWD Việt Nam vừa được kê biên ngày 28/5/2024.
Bên cạnh đó, bà Trương Mỹ Lan cùng tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu 77,89% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đông dược 5 thông qua CTCP Tập đoàn Y tế Khang An và bà Vũ Thị Hồng Hạnh đứng tên sở hữu.
Kê biên hơn 1,4 tỷ cổ phần Công ty Chứng khoán TVSI của bà Trương Mỹ Lan do 6 cá nhân đứng tên hộ và 25 triệu cổ phần Công ty Chứng khoán TVSI của Nguyễn Phương Hồng do người khác đứng tên hộ.
Đồng thời, CQĐT cũng kê biên 84,82% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (hơn 4.580 tỷ đồng) do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé đứng tên.
Kê biên 13,23% cổ phần (2.190.305 cổ phần) tại CTCP Đầu tư Sao Thủy bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh phát giao cho 2 cá nhân đứng tên. Kê biên 100% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hoàn Thuận Phát do bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho 4 công ty đứng tên.
CQĐT cũng kê biên 9 bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, các bị can và các cá nhân có liên quan.
Theo kiến nghị của TAND Tp.HCM, Bộ Công an tiếp tục kê biên 76 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai được cho là tài sản có nguồn gốc từ bà Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên. Hiện CQĐT Bộ công an điều tra xử lý hành vi có dấu hiệu Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người được bà Lan nhờ đứng tên hộ; tiếp tục kê biên 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè Tp.HCM (1 ha thuộc dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển).
Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam và FWD Assurance Vietnam không phải là một
Sau khi thông tin Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan nắm 82% cổ phần của FWD Assurance Vietnam, được công bố, trên mạng xã hội có nhiều tin đồn và hiểu nhầm cũng bị lan truyền. Không ít người đã lầm tưởng công ty này với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Vietnam, trụ sở tại TP.HCM).
Để làm rõ thông tin này, tránh sự hiểu nhầm giữa hai công ty có tên gần giống nhau, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM đã ra thông báo khẳng định công ty "hoạt động hoàn toàn độc lập" với công ty FWD Assurance Vietnam nói trên.
Do có tên tương đối giống nhau, nên trong những năm gần đây, nhiều người cũng bị nhầm lẫn giữa hai doanh nghiệp. Về quy mô, FWD Vietnam có vốn điều lệ hơn 19.100 tỷ đồng, trong khi con số ở FWD Assurance Vietnam là 600 tỷ đồng.
Vào ngày 22/5, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có văn bản đề xuất phương án xử lý khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan với tổng giá trị hơn 1.015 tỷ đồng. Trong đó, Vạn Thịnh Phát cùng 13 công ty liên quan cam kết tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả số tiền hơn 519 tỷ đồng chuyển trực tiếp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan cảnh sát điều tra; sử dụng toàn bộ số tiền đang bị ngăn chặn hơn 291 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Đối với CTCP Bông Sen và Công ty TNHH MTV Khách sạn quốc tế Thiên Phúc đang nợ trái phiếu, Vạn Thịnh Phát đang tìm kiếm nhà đầu tư, chuyển nhượng các tài sản đảm bảo để có nguồn thu hoàn trả nghĩa vụ trả nợ trái phiếu. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7932939443432409