Long Mai ·
3 năm trước
 3615

Giải pháp nào để hạn chế ô nhiễm môi trường nước?

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước tiếp nhận do nước thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách không chỉ ở TP.Hà Nội, mà còn là vấn đề chung của các đô thị đang phát triển.

Hà Nội có lượng nước thải sinh hoạt rất lớn và rất ô nhiễm. Tổng lượng nước thải hàng ngày của TP.Hà Nội vào khoảng 320.000 m3, trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Hầu hết các sông, hồ của Hà Nội đều bị ô nhiễm nguồn nước cả về cơ học, hóa học và sinh hoạt, có sự phân hủy yếm khí tạo ra khí độc như H2S, NH4...

Bên cạnh đó, 100% nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất tại khu vực nông thôn, ở các làng nghề và gần 100% nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý đang xả thẳng ra sông, hồ, ao, mương...

Vậy giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường là gì?

Về vấn đề này, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT có ý kiến như sau:

Theo thống kê, 70% tải lượng ô nhiễm tại môi trường nước tiếp nhận có nguồn gốc từ hoạt động sinh hoạt của dân cư. Trên cơ sở đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) đã có các yêu cầu mới về bảo vệ môi trường đối với nước thải.

hà nội

Ô nhiễm môi trường nước do nước thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách của TP.Hà Nội và các đô thị phát triển. (Ảnh: Toàn Vũ)

Tại khoản 3 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân có phát sinh nước thải, khí thải phải có công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường làng nghề. Trong đó, cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Như vậy có thể chia thành 2 trường hợp: Trường hợp 1, khi môi trường tiếp nhận có trạm xử lý nước thải tập trung, thì UBND cấp tỉnh phải có quy định chi tiết để có sự phù hợp. Trường hợp 2, khi môi trường tiếp nhận không có trạm xử lý nước thải tập trung thì các đối tượng nêu trên phải lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Áp dụng các quy định nêu trên, TP.Hà Nội có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải từ các nguồn thải tại các khu vực có hệ thống xử lý nước thải tập trung, khoanh vùng các khu vực yêu cầu các dự án mới phải lắp đặt các thiết bị xử lý nước thải tại chỗ; Đồng thời, có trách nhiệm khôi phục, cải tạo môi trường nước các sông hồ, ao mương đang bị ô nhiễm.

Thực hiện các quy định của pháp luật và trách nhiệm của chính quyền địa phương, hiện nay TP.Hà Nội đang tập trung ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường toàn thành phố. Trong đó có các dự án trọng điểm như xây dựng hệ thống cống ngầm gom nước thải sông Tô Lịch dài 21 km do nhà thầu Nhật Bản thực hiện để dẫn nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án đã được triển khai từ năm 2020, nhằm nâng cao môi trường sống, chất lượng sống của người dân Hà Nội. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên chưa đạt được tiến độ như mong muốn.

Ngoài ra còn có các dự án bổ cập nước để tạo dòng chảy và cải thiện môi trường cảnh quan cho các môi trường nước khác. Tuy nhiên, để việc ngăn ngừa ô nhiễm thực sự hiệu quả thì cần phải thực tế hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đối với các khu vực đô thị dân cư mới để giảm tải gánh nặng cho môi trường của Thành phố.

Nguồn