Đinh Hà ·
3 năm trước
 2655

Giảm thiểu ô nhiễm từ tái sử dụng khẩu trang

Nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), bất kỳ chiến lược tái sử dụng khẩu trang nào cũng góp phần tiết kiệm chi phí tài chính và giảm lượng chất thải phát sinh.

Theo đó, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khẩu trang N95 rất khan hiếm. Tại nhiều bệnh viện, nhân viên y tế buộc phải sử dụng một khẩu trang trong cả ngày, thay vì đổi khẩu trang khác mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân mới.

Do đó, một số bệnh viện ở Anh và Mỹ bắt đầu sử dụng hệ thống khử khuẩn sử dụng hơi hydrogen peroxide để khử trùng khẩu trang, giúp cho một khẩu trang có thể sử dụng lại liên tục trong vài ngày.

tái sử dụng khẩu trang

Việc tái sử dụng khẩu trang tạo ra hiệu quả tiết kiệm cao nhất và cũng giảm rác thải nhiều nhất. (Ảnh: AFP)

Tính đến nay, các bệnh viện ở Mỹ đã và đang sử dụng các "chiến lược khẩu trang" khác nhau, phụ thuộc vào nguồn khẩu trang N95 và hệ thống khử khuẩn của mỗi bệnh viện. Do đó, nhóm nghiên cứu MIT đã quyết định lập mô hình tác động môi trường của khẩu trang theo một số kịch bản khác nhau: dùng một khẩu trang N95 cho mỗi lần bệnh nhân mới; một khẩu trang N95 mỗi ngày; tái sử dụng khẩu trang N95 bằng khử khuẩn tia cực tím; tái sử dụng khẩu trang N95 bằng khử khuẩn hydrogen peroxide; và, một khẩu trang thông thường mỗi ngày. Họ cũng mô hình hóa chi phí và chất thải tiềm ẩn của khẩu trang silicone tái sử dụng mà họ đang phát triển.

Qua kết quả phân tích cho thấy, nếu mỗi nhân viên y tế ở Mỹ sử dụng một khẩu trang N95 mới cho mỗi bệnh nhân tiếp xúc trong 6 tháng đầu của đại dịch, thì tổng số khẩu trang sẽ sử dụng khoảng 7,4 tỉ chiếc, chi phí là 6,4 tỉ USD và kéo theo 84 nghìn tấn chất thải (tương đương với 252 máy bay Boeing 747).

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra bất kỳ chiến lược tái sử dụng khẩu trang nào cũng góp phần tiết kiệm chi phí tài chính và giảm lượng chất thải phát sinh. Nếu mỗi nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng lại khẩu trang N95 đã được khử khuẩn bằng hydrogen peroxide hoặc tia cực tím, chi phí sẽ giảm xuống còn 1,4 tỉ USD - 1,7 tỉ USD trong 6 tháng và chỉ còn 13 triệu đến 18 nghìn tấn chất thải.

Đặc biệt, những con số đó có thể còn giảm hơn nữa với khẩu trang silicone N95 có thể tái sử dụng, đặc biệt nếu các bộ lọc gắn trên khẩu trang cũng có thể tái sử dụng. Các nhà nghiên cứu ước tính, trong sáu tháng, loại khẩu trang này chỉ tiêu tốn 831 triệu USD và thải 1,6 triệu kg chất thải.

Giovanni Traverso, giáo sư kỹ thuật cơ học của MIT, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Brigham and Women's (Boston) và đồng tác giả nghiên cứu vừa được đăng trên Tạp chí British Medical Journal Open nhận định, "việc tái sử dụng khẩu trang tạo ra hiệu quả tiết kiệm cao nhất và cũng giảm rác thải nhiều nhất".

Năm 2020, Traverso và các nhà khoa học khác bắt đầu phát triển một loại khẩu trang N95 có thể tái sử dụng: làm từ silicone và chứa bộ lọc N95 có thể bỏ đi hoặc tiệt trùng sau khi sử dụng bằng nhiệt hoặc chất tẩy trắng. "Trong khi chi phí và tác động môi trường là những yếu tố quan trọng cần xem xét, thì hiệu quả của khẩu trang cũng cần được ưu tiên", Traverso nhấn mạnh.

Cũng theo Traverso, trong thời kỳ đại dịch, ưu tiên hàng đầu vẫn là dùng khẩu trang để bảo vệ mọi người khỏi virus, nhưng trong tương lai, con người vẫn phải tìm ra các giải pháp bền vững giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường.

Mỗi phút thế giới thải ra 3 triệu khẩu trang

Theo các nhà khoa học ước tính, con người sử dụng 129 tỉ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút. Ngoài ra, có đến 1,5 tỉ chiếc khẩu trang y tế đã đổ vào các đại dương trên thế giới vào năm 2020, tạo thêm khoảng 6.200 tấn rác thải nhựa trên biển.

Rác thải từ khẩu trang y tế và xử lý rác thải khẩu trang y tế đã trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang tiếp diễn tại nhiều quốc gia, các tổ chức bảo vệ môi trường đã lên tiếng cảnh báo về "làn sóng" rác thải khẩu trang, găng tay cao su và đồ bảo hộ khác đang "mon men tìm đường" vào những bãi biển và con sông vốn đã ô nhiễm, đe dọa đến toàn bộ hệ sinh thái trên hành tinh.

Nguồn