Kim Chi ·
1 năm trước
 1298

Giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường

Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác.

Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biển khác. Các bãi biển ở Việt Nam có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư, các khu tập trung nhiều hoạt động du lịch.

Người dân ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) tham gia thu gom rác thải nhựa, túi nylon tại bờ biển.

Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Theo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xả rác thải nhựa, ngư cụ, sản phẩm nhựa thải bỏ ra môi trường biển và đại dương đối với các doanh nghiệp, cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch biển.

Nhiệm vụ và giải pháp khác là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cụ thể, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi nilon hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi nilon khó phân hủy; thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải, các phong trào chống rác thải nhựa.

Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Trước đó, nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.