Thanh Tâm ·
19 tuần trước
 9029

Hà Nội: Đề xuất xây vành đai 2 trên cao

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất cải tạo, mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đề xuất bổ sung danh mục một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, nhằm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Kế hoạch đưa ra dựa trên cơ sở rà soát tình hình triển khai đầu tư các dự án giao thông thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung, dự báo tình trạng giao thông tại một số nút giao quan trọng gắn với các dự án trọng điểm.

Theo đó với nhóm dự án vành đai, đơn vị đề xuất ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đối với 3 dự án.

Một trong số đó là dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km. Tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng.

Dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở và phát huy hiệu quả tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6 km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.

Ngã Tư Sở là điểm nóng về ùn tắc giao thông tại Hà Nội nhiều năm nay.

Hiện vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài 4 km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao. Năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội từng đề xuất thành phố nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (tuyến vành đai 2), trong đó có phương án đường trên cao.

Hà Nội quy hoạch 7 tuyến vành đai với tổng chiều dài 285 km, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5). Tuy nhiên, hiện nay chưa vành đai nào hoàn chỉnh.

Vành đai 5 chưa triển khai. Vành đai 4 đang làm và dự kiến hoàn thành năm 2027. Vành đai 3,5 chưa hoàn thiện toàn tuyến do khó khăn giải phóng mặt bằng. Vành đai 3 còn phía Bắc chưa thông đường. Vành đai 2,5 mới làm một số đoạn. Vành đai 2 chưa triển khai đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Vành đai 1 vẫn chưa giải phóng được mặt bằng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 phía bắc với chiều dài khoảng 14km. Tổng mức đầu tư dự kiến 12.046 tỷ đồng, nhằm khép kín đoạn còn lại của tuyến vành đai 3 phía bắc.

Dự án thứ ba được đề xuất ưu tiên là đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ, bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 850 tỷ đồng.

Dự án được kỳ vọng từng bước hoàn thiện tuyến đường trục hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì, tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.

Thống kê cho thấy nút giao Ngã Tư Sở được thiết kế với lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng lưu lượng thực tế đạt tới 8.000 phương tiện/giờ. Đây là nguyên nhân chính khiến khu vực thường xuyên ùn tắc. 

Trước đó, ngày 25/12, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã hoàn thành dự án cải tạo, xén hè mở rộng lòng đường phục vụ giao thông nhằm giảm ùn tắc tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở.

Để thực hiện việc phân luồng mới, đơn vị đã di dời cây xanh, xén đảo dẫn hướng để tăng làn chờ cho các phương tiện; mở lối quay đầu mới cho các phương tiện đi theo hướng Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Tây Sơn; mở rộng lối quay đầu hướng Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi.

Hiện Sở GTVT Hà Nội thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông sau khi mở rộng khu vực nút giao Ngã Tư Sở. Thời gian thực hiện từ ngày 30/12 đến hết ngày 30/3/2024.

Thanh Tâm/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7253910118002015/