Minh Anh ·
51 tuần trước
 8310

Hà Nội di dời 90 cơ sở không phù hợp với quy hoạch

Hà Nội có 90 cơ sở phải di dời (đợt 1) do không phù hợp với quy hoạch xây dựng tại 12 quận; 114 cơ sở nhà, đất có cơ sở công nghiệp đề xuất đưa vào danh mục di dời tại 5 huyện có đề án thành lập quận.

Chiều 11/5, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội làm việc với các sở, ngành và một số quận để khảo sát công tác thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn 12 quận thuộc thành phố.

Hà Nội hiện có 90 cơ sở sản xuất ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch (Ảnh: Internet)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc và 12 quận rà soát, cập nhật hồ sơ (đợt 1) các cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp đang sử dụng làm cơ sở sản xuất phải di dời do không phù hợp với hoạch xây dựng. Theo đó, tại 12 quận có 90 cơ sở.

Đối với 5 huyện có đề án thành lập quận, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổng hợp danh mục 114 cơ sở nhà, đất có cơ sở công nghiệp đề xuất đưa vào danh mục di dời.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách này còn một số khó khăn, như còn bất cập trong việc xác định đối tượng áp dụng và thẩm quyền phê duyệt danh mục đề xuất di dời.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác di dời mà vẫn bảo đảm bảo chặt chẽ, tránh khiếu nại của các doanh nghiệp có cơ sở công nghiệp di dời, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố cho phép Sở chủ trì cùng các sở, ngành, UBND 12 quận và 5 huyện có đề án thành lập quận (Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì) lập danh mục các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp phải di dời do không phù hợp quy hoạch theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ (chưa xét đến tiêu chí gây ô nhiễm môi trường do thẩm quyền phê duyệt danh mục là Thủ tướng Chính phủ).

Đồng thời, đề xuất giao Sở Tài chính chủ trì, thực hiện việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017...

Theo cơ quan chức năng, một số vấn đề về công tác thực hiện di dời, đảm bảo quan điểm di dời các cơ sở phải mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Tuy nhiên, một số cơ sở dù đã dừng sản xuất nhưng vẫn để lại một số bộ phận hoặc đang hoạt động theo dạng văn phòng giới thiệu sản phẩm, gây lãng phí quỹ đất, trong khi rất cần quy hoạch thêm trường học để tránh quá tải, bảo đảm trường chuẩn quốc gia về sĩ số học sinh...

Chia sẻ vấn đề này, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân khẳng định: Chủ trương di dời là rất cấp thiết, không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm mà còn tạo dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, có điều kiện thực hiện các vấn đề liên quan đến dân sinh tốt hơn.

Thời gian vừa qua, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND thành phố giải quyết nhiều nội dung liên quan đến việc di dời các cơ sở trên; tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, tạo điều kiện cho các đơn vị di dời. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Để đẩy nhanh tiến độ, ông Huân đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở Nghị quyết của HĐND thành phố, khẩn trương tham mưu cụ thể hóa thành quyết định danh mục di dời - đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện; thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ kiện toàn ban chỉ đạo cấp thành phố; tiếp tục đề xuất các giai đoạn tiếp theo.

Tiếp đó, UBND 12 quận khẩn trương rà soát, xác định tính pháp lý của các cơ sở thuộc diện phải di dời; có kế hoạch rà soát, đề xuất theo giai đoạn để HĐND thành phố thông qua danh mục.

Đối với 114 cơ sở của 5 huyện lên quận và 2 khu vực dự kiến phát triển lên thành phố, sẽ thực hiện trong chu kỳ tiếp theo, tuy nhiên cần phải làm sớm để hạn chế sản xuất công nghiệp, nhất là không phải ngành công nghiệp xanh, thông minh. Cần sớm báo cáo thành phố để sớm có lộ trình dài hạn.

Trước đó, trong một báo cáo của UBND TP.Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6/2019, cơ quan này cho biết, theo kế hoạch vạch ra năm 2016, đến năm 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn các cơ sở chưa thể di dời ở quận Đống Đa (113), Ba Đình (2), Cầu Giấy (2), Hai Bà Trưng (16), Hoàn Kiếm (6), Hà Đông (29), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Xuân (9), Nam Từ Liêm (2), Hoàng Mai (11), Long Biên (17).

Trong danh sách nhà máy thuộc nhóm gây ô nhiễm môi trường của UBND Thành phố Hà Nội có Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp), Công ty Thuốc lá Thăng Long (Nguyễn Trãi).... Công ty Rạng Đông - nơi xảy ra vụ cháy - không nằm trong nhóm này.

Có thể nói, sau 20 năm có chủ trương của Chính phủ, việc di dời các nhà máy tại Hà Nội có thể nói vẫn dậm chân tại chỗ.

Tạ Nhị