Minh Anh ·
21 tuần trước
 9025

Hà Nội gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Hà Nội đang gấp rút giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho các dự án trọng điểm, dự án dân sinh đã được khởi công.

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 11 ước tính đạt 6.480 tỷ đồng, tăng 12,4% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, NSNN cấp TP thực hiện 2.485 tỷ đồng, tăng 16% và tăng 62,5%; NSNN cấp huyện 3.820 tỷ đồng, tăng 10,5% và tăng 33,9%; NSNN cấp xã 175 tỷ đồng, tăng 5,4% và tăng 23,9%.

Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 45,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78,7% kế hoạch năm 2023, cao hơn mức bình quân của cả nước. Trong đó NSNN cấp TP thực hiện 18,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% và đạt 72,1%; NSNN cấp huyện 26,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14% và đạt 83,7%; NSNN cấp xã 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% và đạt 86,6%.

Ảnh minh họa

Nhiều công trình dân sinh, trọng điểm của Thủ đô đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ, như: dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong tháng 11/2023, dự án tiếp tục khẩn trương bàn giao mặt bằng tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh để triển khai thi công, tổng vốn đã đầu tư cho dự án là 12,6 nghìn tỷ đồng, trong đó giải ngân được 64%. Theo kế hoạch dự án hoàn thành cơ bản trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50 m. Điểm đầu tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 7.211 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.818 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 22,7% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Khởi công ngày 3/12/2022, cải tạo 21,7 km đoạn nút giao Ba La, quận Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư của dự án là 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Thời gian thi công toàn dự án từ năm 2022 đến năm 2027. Đến nay dự án đã giải ngân 5,9% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Dự án đã khởi công ngày 10/10/2023, với chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại Lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Đường có mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.249 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 4,6% kế hoạch vốn.

Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng , dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 37,8% kế hoạch vốn, thời gian hoàn thành dự kiến vào quý I/2024.

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Dự án được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy) với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 70,7% kế hoạch vốn, thời gian hoàn thành dự kiến vào quý I/2024.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công cuối năm

Năm 2023, TP Hà Nội được giao thực hiện đầu tư công gần 47.000 tỷ đồng. Trong 239 dự án đầu tư công được đầu tư xây dựng trên địa bàn có 219 dự án chuyển tiếp và 20 dự án mới. Con số này cho thấy, số dự án mới được triển khai chiếm một tỷ lệ rất nhỏ kế hoạch đầu tư trong năm, mà phần lớn là dự án từ các năm trước và tồn đọng.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, TP Hà Nội xác định nhiệm vụ quan trọng là tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế cho thấy từ đầu năm đến nay, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong cả nước.

Đảm bảo việc thực hiện giải ngân đầu tư công, trước đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành rà soát, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các đề xuất kiến nghị của từng chủ đầu tư, tại từng dự án.

Các cấp, các ngành cần cố gắng hơn nữa để giải ngân đạt mức cao nhất. Đồng thời lưu ý các địa phương giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán để quyết toán xong các dự án để có cơ sở tiếp tục bố trí vốn đầu tư công cho năm tiếp theo.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, với sự nỗ lực của các ban ngành, quận huyện, dự kiến trong năm 2023 Hà Nội giải ngân đầu tư công được 48.600 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch TP giao và 103,5% kế hoạch Trung ương giao. Các đơn vị liên quan cần xây dựng chi tiết kế hoạch giải ngân quý IV năm nay và đến 31/1/2024 của từng dự án.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7131075823618779/