Phố biến thành sông trên phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân trưa 12/6.
Dự báo mưa lớn gia tăng
Chỉ mới trải qua vài trận mưa đầu mùa đã cho thấy cảnh các tuyến phố ngập nặng, người dân chật vật với cảnh tắc đường, xe chết máy, nước tràn vào nhà... Theo ghi nhận, chiều muộn ngày 20/6, một cơn mưa lớn bắt đầu xuất hiện ở khu vực quận Hà Đông, huyện Thanh Trì rồi nhanh chóng bao trùm các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân... Mưa lớn và kéo dài đã khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập úng. Tình trạng nặng nhất được ghi nhận tại quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy khi một số tuyến đường như: Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, Trần Bình... chìm trong biển nước. Trước đó, trưa ngày 12/6, trận mưa lớn đầu mùa xối xả, kèm dông, lốc, sấm sét đã khiến nhiều tuyến phố thuộc khu vực nội thành Hà Nội đã rơi vào ngập cục bộ.
Tại phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân), ông Nguyễn Trọng Hùng cho hay: Do tốc độ xây dựng ở khu vực này quá lớn nên hệ thống thoát nước quá tải nên chỉ cần mưa lớn chừng 30 phút là phố biến thành sông.
Hay như ở phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy) là địa điểm thường xuyên xảy ra úng ngập mỗi khi lượng mưa từ 50-70mm trong khoảng 1 giờ. Bà Trần Thị Hồng - người dân phố Minh Khai mong muốn cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng cứ mưa là ngập diễn ra hàng chục năm qua tại nơi mình sinh sống.
Dự báo năm 2023, tần suất các cơn bão, mưa lớn ở khu vực Hà Nội có xu hướng gia tăng. Mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hằng năm. Với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa từ 100 mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước thì dự kiến trên địa bàn Hà Nội xuất hiện thêm 19 điểm, khu vực úng ngập cục bộ như phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân… Ngoài ra, còn một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.
Với các trận mưa có lượng mưa 50-70mm/giờ: Dự kiến có 11 điểm/ khu vực úng ngập gồm: phố Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp. Bên cạnh đó, 1 điểm Nguyễn Chính đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2022, cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm nay. Ngoài ra còn một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.
Theo ông Bùi Ngọc Uyên - Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội, công ty đã xây dựng để triển khai kế hoạch thoát nước mùa mưa, tiến hành kiểm tra rà soát cống rãnh thuộc phạm vi công ty xử lý. Đảm bảo nước sẽ được thu gom và đưa nhanh về nguồn tiêu khi có mưa.
Trước nguy cơ xảy ra úng ngập trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã lên các phương án bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành. Trong đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo; duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa; kiểm soát, giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa. Đồng thời, tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, trạm bơm; tổ chức sửa chữa giải quyết úng ngập cục bộ, khắc phục sự cố trên hệ thống, triển khai ứng trực giải quyết tại chỗ…
Gấp rút chống ngập cục bộ
Dễ nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực ở Hà Nội là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, trong khi đó hạ tầng kỹ thuật và các công trình thoát nước đầu mối theo quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống thoát nước vẫn chủ yếu bằng phương pháp tự chảy. Do đó, Hà Nội tiếp tục đối mặt với tình trạng úng ngập cục bộ tại nhiều tuyến phố. Thực tế này đòi hỏi sớm có lời giải cho bài toán quy hoạch nội đô nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng cứ mưa lớn là ngập.
Được biết, từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thoát nước Hà Nội. Mục đích để phát triển hạ tầng thoát nước và bổ sung các dự án chống ngập mới, nhưng đến nay các dự án thoát nước vẫn ngổn ngang như: Trạm bơm Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), công suất 170m3 nước/giây (lớn nhất Hà Nội tại thời điểm hoàn thành); trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông), công suất 120m3 nước/s (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở); nâng gấp đôi công suất các trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 (Bắc Từ Liêm)… Cụ thể, tại dự án xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa với mức đầu tư 4.700 tỷ đồng (bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Đáy), nhà máy bơm xây xong từ năm 2018 nhưng kênh dẫn nước vẫn chưa xong, nên chưa phát huy hiệu quả đầu tư. Dự án trạm bơm Liên Mạc có tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng (bơm nước sông Nhuệ ra sông Hồng) nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.
Theo PGS.TS Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, dự án Thoát nước Hà Nội và đầu tư các trạm bơm bổ sung về sau có số vốn rất lớn (khoảng 20.000 tỷ đồng) nhưng đến nay việc giải quyết úng ngập không được như kỳ vọng là điều rất đáng tiếc. Vẫn biết việc ngập úng có thể xảy ra với bất kỳ thành phố nào khi mưa lớn, nhưng với các trận mưa có cường độ trung bình từ 100 - 150mm, nhiều tuyến phố nội đô vẫn ngập sâu thì cần xem xét lại công tác quản lý, thực hiện quy hoạch thoát nước tại Hà Nội.
Trong khi đó, nêu giải pháp gấp rút chống ngập cục bộ, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị giải pháp phải làm ngay là đầu tư các trang thiết bị hiện đại, bằng lực lượng cơ động như lực lượng phòng cháy chữa cháy. “Ở các nước Hoa Kỳ, Hà Lan đã có những cách để chống úng ngập rất nhanh bằng kè trắng khoa học hay trạm bơm tốc độ cao. Vì thế, Hà Nội cũng cần có sự điều chỉnh ngân sách xây dựng trạm úng ngập cục bộ. Chắc chắn các trạm úng ngập cục bộ này phải gắn kết các hệ thống thoát nước… Đó là các vấn đề xoay quanh hệ thống thoát nước lâu dài”, KTS Đào Ngọc Nghiêm gợi mở.