Minh Anh ·
28 tuần trước
 8009

Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 75% vào năm 2030

Theo Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21/8/2023 của UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62% và đến năm 2030 đạt khoảng 65 - 75%.

Đó là nội dung trong Kế hoạch Thực hiện Chương trình Hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý và Phát triển bền vững Đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trên địa bàn Hà Nội.

Theo Chương trình hành động này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội bày tỏ quan điểm trong việc quán triệt thực hiện chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Xây dựng Hà Nội là thành phố "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại".

Nhất là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, xây dựng Thủ đô Hà Nội đảm bảo định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị. Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

Tập trung đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị; tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu

Chương trình hành động do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành cũng đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong 2 giai đoạn. Cụ thể, đối với giai đoạn năm 2025 và năm 2030, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62% và đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65 - 75% (theo Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy). Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33 - 36% .

Đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn TP, hệ thống các quy định, quy chế liên quan quản lý quy hoạch, kiến trúc.

Phấn đấu tỷ lệ đất giao thông đô thị (bao gồm giao thông tĩnh) trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt từ 12 - 15% và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 15 - 20%. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt khoảng 30-35%, đến năm 2030 đạt khoảng 45-50%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 7,8- 8,1m2/người, đến năm 2030 đạt khoảng 12-14m2/người. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 31m2/ người vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 33m2/người.

Đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%. Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện, trong đó ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025.

Tăng số lượng các trường trung học công lập và công lập tự chủ đến năm 2025 khoảng 135 - 140 trường và đến năm 2030 khoảng 150 trường. Tăng số lượng các trường Tư thục đến năm 2025 khoảng 112 - 116 trường và đến năm 2030 khoảng 125-130 trường. Đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.

Đối với tầm nhìn đến năm 2045 và năm 2050, Chương trình hành động xác định, theo Nghị Quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng sống cao, phấn đấu với GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Đến năm 2050, hoàn thành đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; hệ thống đô thị - nông thôn được liên kết theo mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh và đảm bảo bền vững; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực có liên quan.

Nhiều khu đô thị mới được mở rộng

Ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Đây là dấu mốc quan trọng phát triển đô thị, đưa Hà Nội trở thành một trong những thủ đô lớn với diện mạo mới, ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội gắn với thực hiện chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã có nhiều dự án khu đô thị mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, văn minh, mở rộng ra 4 hướng của Thủ đô.

Điển hình Phía Đông của Thủ đô Hà Nội có khu đô thị: Việt Hưng, Vinhomes River side, Vin City Ocean Park... Phía Tây có khu đô thị: Đông Nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, Bắc/Nam An Khánh, Vin City Sportia, Vinhomes Smart City... Phía Nam có khu đô thị: Linh Đàm, Garmuda... Phía Bắc có khu đô thị: Ciputra, Tây Hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn...

Cùng với việc thực hiện xây dựng, cải tạo đô thị, nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân cũng mọc lên, như: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm thương mại Big C, Trung tâm mua sắm Aeon Mall, Thiên đường Bảo Sơn…

Hiện TP. Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án, như: Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Khu tổ hợp thương mại quy mô lớn Outlet, phát triển khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

Hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô

Hà Nội đã phát huy tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nên còn nhiều hệ lụy, thử thách; Riêng về vấn đề mất cân đối trong phát triển đô thị, phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư, đòi hỏi thành phố phải tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, để có phương án giải quyết hiệu quả nhất.

Định hướng phát triển đô thị những năm tiếp theo, thành phố sẽ hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.

Thành phố cũng sẽ đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô; Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; Đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.

Song song đó, thành phố nỗ lực khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng; Gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử; Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị,...

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6943826212343742