Ngày 8/5, UBND TP Hà Nội ban hành quy định về công tác quản lý thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội.
Ảnh minh họa. (Ảnh ITN)
Theo đó, công tác quản lý thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là việc hoàn trả mặt đường trong quá trình thi công các công trình thiết yếu tại các tuyến phố nội thành, gây bức xúc dân sinh. Công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công chưa được thực hiện đầy đủ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Do đó UBND TP Hà Nội quy định, phạm vi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện trong quy định này gồm: Đường, cầu đường bộ kể cả cầu dành cho người đi bộ; hầm đường bộ kể cả hầm dành cho người đi bộ; bến phà, cầu phao đường bộ, đường ngầm, đường tràn.
Quy định nêu rõ các yêu cầu đối với thiết kế hoàn trả, quy định về hồ sơ cấp phép thi công; công tác chuẩn bị thi công; công tác thi công; công tác hoàn trả; công tác đảm bảo an toàn giao thông và môi trường; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trong quá trình thi công; công tác nghiệm thu, bàn giao mặt bằng; bảo hành công tác hoàn trả mặt đường.
Quy định yêu cầu rõ chủ đầu tư phải thực hiện đúng hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp giấy phép thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện các nội dung quy định đối với chủ đầu tư trong giấy phép thi công.
Đơn vị thi công thực hiện đúng nội dung quy định đối với đơn vị hoàn trả trong giấy phép thi công. Chịu toàn bộ trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở đã cấp 120 giấy phép cho các đơn vị thi công đào hè, đường, trong đó, vẫn tồn tại một số vị trí hoàn trả mặt bằng kém chất lượng. Nguyên nhân được xác định là do có nhiều công trình ngầm phức tạp, việc hoàn trả mặt bằng khó đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là do một số chủ đầu tư và nhà thầu chưa nhận thức đầy đủ trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công công trình.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp mặt đường dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã có kế hoạch cải tạo, sửa chữa và tổ chức lại giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung. Cụ thể, sẽ tập trung sửa chữa các vị trí mặt đường hư hỏng; thảm lại toàn bộ mặt đường; sơn kẻ, bố trí biển báo, đèn tín hiệu giao thông đồng bộ; nghiên cứu tổ chức lại giao thông phù hợp tại các nút giao Nguyễn Khuyến - Mộ Lao, Quang Trung - Lê Trọng Tấn; nghiên cứu lắp và di chuyển các hố thu nước trực tiếp trên mặt đường bảo đảm mỹ quan và tiếp xúc êm thuận với mặt đường... Đoạn từ Nguyễn Trãi đến Cầu Trắng (quận Hà Đông) sẽ được chia thành 4-5 làn xe mỗi bên.
Về các công trình thi công khác, ông Vũ Văn Viện cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng của Sở Giao thông - Vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 86 trường hợp vi phạm, phạt trên 500 triệu đồng). Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải đang phối hợp Sở Xây dựng nghiên cứu, lập phương án, trình UBND thành phố cho phép sửa chữa, cải tạo các hố ga thống nhất theo một số mẫu đã định hình, bảo đảm đồng bộ và an toàn.
Sở Giao thông - Vận tải cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các ngành quản lý nhà nước về hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố như cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin, cáp quang,... cũng cần cùng phối hợp, xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn để thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới, tránh việc đào hè, đường nhiều lần gây lãng phí.