Tạ Nhị ·
1 năm trước
 8754

Các dự án đường vành đai tạo động lực phát triển cho Hà Nội?

Các dự án đường vành đai được kì vọng sẽ giảm tải cho nội đô Hà Nội, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực và là đòn bẩy phát triển kinh tế.

Hạ tầng giao thông là vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay

Hiện nay sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội đang bị chững lại do các điểm nghẽn, đặc biệt về quy hoạch không gian của đô thị cũng như hạ tầng giao thông, với vấn đề lớn nhất hiện nay là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Do đó, nếu không giải quyết ngay thì không chỉ cản trở sự phát triển mà chúng ta sẽ phải trả giá rất nhiều về cả thời gian và công sức, tiền bạc.

Để giải quyết bài toán đó, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị dự án, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để các bộ, ngành, các địa phương có thể thực hiện được đồng bộ, đồng loạt rất nhiều dự án giao thông quan trọng, mở ra sự phát triển trong thời gian tới.

Tính tới thời điểm hiện tại nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đang được thành phố triển khai, trong đó, phải kể đến các tuyến đường vành đai với vai trò là trục chính kết nối, vừa giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, vừa mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, đẩy mạnh liên kết vùng.

Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Hệ thống 7 tuyến đường vành đai của Hà Nội, trong đó Vành đai 4 và Vành đai 5 chưa hình thành. 5 tuyến còn lại có tổng vốn đầu tư gần 150.000 tỷ đồng.

Vành đai 1 dài hơn 7 km qua các phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Hoàng Cầu – Voi Phục; hiện còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (2,5 km) chưa hoàn thành.

Vành đai 2 dài 39 km với hướng tuyến phía Nam sông Hồng qua Vĩnh Tuy - Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân; hướng tuyến phía Bắc sông Hồng đi trùng đường 5 cũ và đường 5 kéo dài (từ cầu Vĩnh Tuy - cầu Nhật Tân).

Đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy của vành đai này đã hình thành tuyến nhưng chưa mở rộng theo quy hoạch; đang thi công mở rộng đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng.

Vành đai 2,5 dài hơn 19 km chia làm 13 đoạn, còn 5 đoạn đang triển khai (gần 6 km) và 4 đoạn chưa được đầu tư (gần 4 km). 9 đoạn này nằm chủ yếu trên địa bàn các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai.

Vành đai 3 dài 68 km, hướng tuyến Nam Thăng Long - Mai Dịch - Pháp Vân - Cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đồng Xuân và nối vào đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài (14 km) chưa được đầu tư.

Vành đai 3,5 hơn 45 km mới hình thành một trong số 8 đoạn (đường Lê Trọng Tấn và đường Phúc La - Văn Phú); đoạn từ quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long đang được đầu tư.

Vành đai 4 dài hơn 112 km đi qua TP Hà Nội (58 km) và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh; dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2022.

Vành đai 5 dài 331 km, đi qua 8 tỉnh thành Hà Nội (48 km), Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Đa số các đoạn tuyến của vành đai này hiện chưa được đầu tư.

Các quy hoạch này nhằm từng bước khép kín các tuyến đường vành đai theo quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như tăng cường kết nối, lan tỏa giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, phía đông Hà Nội sẽ có thêm xung lực mạnh mẽ để bứt phá khi khả năng kết nối với các khu vực khác ngày càng đa dạng, cả vào trung tâm nội đô và đi các tỉnh, thành phố lân cận.

Tạo đà phát triển cho phía Đông Hà Nội

Mục đích xây dựng các tuyến đường vành đai là để kiến tạo những “tọa độ” phát triển mới cho thủ đô. Trong đó, phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm mới không chỉ của vùng thủ đô mà còn là tâm điểm của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Với vị trí nằm ở điểm đầu kết nối vùng Thủ đô với tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phía Đông không những được quy hoạch để trở thành tâm điểm giao thương, trung tâm logistic (giao vận) mà còn là trung tâm công nghệ mới của Thủ đô. Với hạ tầng được đầu tư đồng bộ và bài bản bậc nhất tại Thủ đô, khu vực phía Đông cũng thuận tiện kết nối tới các khu công nghiệp trọng điểm miền Bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam… Không chỉ mang đến tiềm năng phát triển vượt bậc cho cả khu vực, phía Đông Thủ đô cũng là điểm đến thu hút hàng vạn chuyên gia, nhân sự cao cấp chọn làm nơi an cư nhờ vị trí kết nối thuận tiện tới các khu công nghiệp lớn.

Trên thực tế, mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ đã giúp khu vực này “thức giấc” trong thời gian qua, tạo ra làn sóng “Đông tiến” ngày càng mạnh mẽ của của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các nhà phát triển bất động sản. Đóng vai trò tiên phong chính là các nhà phát triển bất động sản đã giúp định hình ngày càng rõ nét diện mạo của “thành phố mới phía Đông”, với các hoạt động giao thương, kinh tế sôi động.

Sự phát triển mạnh mẽ của phía Đông, đặc biệt là hạ tầng kết nối đã thu hẹp khoảng cách phát triển ở 2 bên bờ sông Hồng và kích thích cuộc dịch chuyển khỏi khu vực nội đô cũ chật chội lớn nhất trong lịch sử. Theo tính toán, dân số 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng hiện đã vượt quá quy hoạch, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng. Từ nay tới năm 2030, chính quyền thành phố đang có kế hoạch chuyển cư khoảng 500 nghìn người ra khỏi khu vực này. Là một trong những nguồn cung nhà ở chủ yếu của thủ đô, các dự án ở phía Đông đang là điểm đến được nhắm tới.

Bên cạnh đó, các tuyến đường vành đai và cao tốc đã hiện hữu hoặc sớm hoàn thiện trong tương lai gần sẽ giúp phía Đông bứt tốc trên hành trình trở thành trung tâm mới không chỉ của vùng Thủ đô mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ tiếp tục được thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai trong những năm tới, nhằm khép kín các tuyến các đường vành đai, kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và tuyến trục chính của đô thị; trong đó dự án Vành đai 4 -Vùng Thủ đô đang được tập trung thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.