Vừa qua, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 13 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đất đai. Những hành vi mà người sử dụng đất, cán bộ, công chức hoặc tổ chức, cá nhân khác không được phép thực hiện khi sử dụng, quản lý đất đai đó là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai.
Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai; sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích tại khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 12 dự thảo Luật.
Theo dự thảo, hành vi bị nghiêm cấm về đất đai được đề xuất như sau: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai. Không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích. Làm trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai. Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Tại Hải Dương cũng đang tồn tại một vụ việc sử dụng đất không dúng quy định pháp luật nhưng các cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý.
Cụ thể, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có bài viết: “Hải Dương: Trạm trộn bê tông không phép hoạt động gây ô nhiễm môi trường”, nêu bật thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn phường Hải Tân, TP. Hải Dương (Hải Dương) về việc trạm trộn bê tông thuộc Công ty CP bê tông và xây dựng Hải Dương (trạm trộn bê tông Hải Dương) trong một thời gian dài kể từ khi được cấp phép hoạt động đã gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống và thực hiện cung cấp sản phẩm ra thị trường trái mục đích.
Qua bài viết, đại diện Phòng Quản lý Đê điều, Chi cục Thủy lợi – Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương khẳng định, trạm trộn bê tông Hải Dương đã hết thời hạn cho phép hoạt động theo Quyết định số 3425/QĐ – UBND ngày 8/11/2017 của UBND tỉnh Hải Dương và Hạt Quản lý Đê thành phố Hải Dương đã có thông báo số 78/TB-HQLĐ ngày 31/12/2020 gửi tới doanh nghiệp, phường Hải Tân, UBND thành phố Hải Dương về vấn đề này; trong đó yêu cầu trạm trộn này dừng ngay hoạt động và chậm nhất đến ngày 15/01/2021 phải giải tỏa toàn bộ vật liệu, hàng hóa ra khỏi bãi sông, hoàn trả lại mặt bằng ban đầu.
Toàn bộ trang thiết bị, máy móc, vật liệu vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ sản xuất.
Sau khi bài viết được đăng tải, để làm rõ câu hỏi trạm trộn bê tông Hải Dương hết hạn giấy phép nhưng vẫn hoạt động gây ô nhiễm môi trường thì trách nhiệm này thuộc về đơn vị nào? Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ làm việc với UBND thành phố Hải Dương và Cảng thủy nội địa Cống Câu – Công ty CP Công trình giao thông Hải Dương.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Cảng thủy nội địa Cống Câu, ông Trịnh Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP công trình giao thông Hải Dương, Giám đốc cảng Cống Câu cho biết: Từ cuối năm 2020, sau khi biết bê tông Hải Dương đã hết thời hạn được cấp phép hoạt động, đơn vị đã không tiếp tục ký gia hạn hợp đồng cho thuê đất cho đến nay.
“Tuy nhiên vừa qua, do có đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hải Dương về việc chấp hành các quy định pháp luật tại bến bãi ven sông và ven các trục, sông nội đồng, nên cảng Cống Câu đã “hỗ trợ” ký một bản hợp đồng phụ lục để họ có đủ thủ tục phục vụ công tác kiểm tra”, ông Kiên cho biết.
Trao đổi thêm về phản ánh của người dân xoay quanh việc bê tông Hải Dương thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân thuộc phường Hải Tân (TP. Hải Dương), ông Kiên cho biết thêm: “Tiếng ồn, bụi gây ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân, chúng tôi xin phép không đánh giá vì không phải là cơ quan chuyên môn. Nhưng quả thật, trong thời gian hoạt động của bê tông Hải Dương, chúng tôi đã nhiều lần góp ý về việc họ cần lưu ý về công tác bảo vệ môi trường, nhất là các bể chứa thu gom cặn bã, phế phẩm sau khi vận hành và tráng rửa phương tiện. Mặc dù vậy, có những thời điểm, công nhân của cảng vẫn phải khơi dòng chảy do các cặn bã bê tông đông kết, bám dính ven bờ tại khu vực cảng quản lý”.
Để làm rõ hơn lý do đã hơn 3 năm trôi qua kể từ ngày hết thời hạn hoạt động, nhưng trạm trộn bê tông Hải Dương vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động, Phóng viên đã liên hệ với UBND thành phố Hải Dương. Qua giới thiệu của Văn phòng UBND thành phố này, Phóng viên đã thông tin qua điện thoại với ông Vũ Nam Hải, Trưởng phòng Kinh tế về vấn đề Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đang quan tâm. Tuy nhiên theo ông Hải, Phòng Kinh tế do ông quản lý không phụ trách vấn đề này, phóng viên cần liên hệ với Phòng Quản lý đô thị.
Theo tìm hiểu được biết, Phòng Kinh tế có chức năng tham mưu, giúp UBND thực hiện quản lý Nhà nước ở địa phương về các lĩnh vực NN&PTNT, thủy lợi, thủy sản…, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trong đó là: Phối hợp tổ chức bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ; công trình nuôi trồng thủy sản; công trình cấp, thoát nước nông thôn; công trình phòng chống thiên tai; quản lý mạng lưới thủy nông trên địa bàn theo quy định của pháp luật… Vậy, câu trả lời của ông Trường phòng Kinh tế có đang đùn đẩy và chối bỏ trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị mình?
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc cung cấp thông tin cho Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Ở một diễn biến khác, theo văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo số 2656/UBND- VP của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc giao Sở TN&MT, NN&PTNT cung cấp thông tin cho Tạp chí Kinh tế Môi trường. Đến nay, sở TN&MT Hải Dương đã có văn bản số 1876/STNMT – CCBVMT trao đổi cùng Tạp chí; trong đó nêu rõ, theo quy định tại điều 168 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về “Trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND các cấp”, thì: UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức theo dõi, giám sát chất lượng môi trường, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trách nhiệm rất rõ ràng trong phân cấp quản lý về giám sát hoạt động bảo vệ môi trường là vậy. Thế nhưng, các địa phương, đơn vị nghiệp vụ, quản lý Nhà nước thuộc UBND thành phố Hải Dương lại tỏ ra không rõ việc trạm trộn bê tông hoạt động không phép trong thời gian dài là do đâu? Và đơn vị nào có trách nhiệm xử lý giải quyết về vấn đề này?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, môi trường không khí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe con người và tất cả các hệ sinh thái trên trái đất. Con người có thể “nhịn ăn từ 7 đến 10 ngày, nhịn uống từ 2 đến 4 ngày, nhưng chỉ nhịn thở từ 3 đến 5 phút là có thể tử vong”. Sống và làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhất là bị ô nhiễm nặng, con người sẽ bị các bệnh về đường hô hấp (là chủ yếu), làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch và bệnh thần kinh, nguy hiểm nhất là bị bệnh ung thư phổi. Theo số liệu của WHO thì tổng số người chết bệnh tật (chết non) do ô nhiễm không khí gây ra trên thế giới mỗi năm từ 3,5 đến 7 triệu người. Cũng theo số liệu của WHO tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người tử vong mỗi năm và gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 240.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% - 5% GDP quốc gia, trong đó ô nhiễm không khí trong nhà đóng góp khoảng 50% nguyên nhân gây các bệnh tật chết người đó. Khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% do ô nhiễm không khí. Cho nên ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng” và chất lượng không khí là vô cùng quý giá. Việc kiểm soát ô nhiễm không khí xung quanh cũng như không khí trong nhà hiện nay là rất cấp bách. |
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.