Thành Phong ·
1 năm trước
 7142

Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt

Thủ tướng vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( Quy hoạch điện VIII).

Là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án nguồn, lưới điện được xây dựng từ năm 2019, Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Chính phủ từ cuối năm 2021. Quy hoạch này được phê duyệt trong bối cảnh vài năm qua một số dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ vận hành, còn dự án mới chưa thể triển khai do chờ bổ sung quy hoạch.

Theo Bộ Công Thương, nhiều nguồn điện xây dựng chậm tiến độ, trong đó miền Bắc chậm 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam hơn 3.600 MW và phát triển chưa phù hợp phân bố phụ tải. Việc chậm tiến độ ở hai miền gây nguy cơ thiếu điện, khó khăn trong vận hành do thiếu công suất nguồn dự phòng, nhất là tại miền Bắc đến 2025. Còn điện mặt trời đến cuối 2020 đạt 8.700 MW, vượt hơn 9 lần công suất tại quy hoạch đưa ra trước đây và dự án chủ yếu tập trung tại miền Trung và Nam.

Cơ cấu nguồn điện 2020 và Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể, quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Quy hoạch điện VIII hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 (với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất). Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Quy hoạch đưa ra định hướng sẽ không xây dựng thêm nhiệt điện than sau năm 2030, từng bước trộn và chuyển sang nhiên liệu sinh khối, hoặc amoniac; ưu tiên phát triển điện khí và cũng định hướng chuyển dần sang đốt trộn nhiên liệu, tiến tới đốt hoàn toàn hydro, amoniac trong dài hạn và sau năm 2035 không phát triển nguồn điện LNG mới.

Đặc biệt, Quy hoạch đã đưa ra các phương án phụ tải và phương án phát triển nguồn khác nhau (có cân nhắc đến nhiều khía cạnh, quan điểm phát triển), cân bằng các loại nguồn; giảm truyền tải xa; tăng quy mô các nguồn điện mặt trời, gió, sinh khối và ưu tiên điện mặt trời tự sản, tự tiêu (không nối lưới).

Đến năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% năm 2020 xuống 20,5% năm 2030. Điện sản xuất từ nguồn điện than giảm nhanh tỷ trọng, năm 2020 từ 46,5% xuống còn 34,8% vào năm 2030.

Trong khi đó, tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030. Đây là nguồn ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn năng lượng tái tạo. Điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng tỷ trọng, năm 2020 từ 12,5% lên tới 25,5% vào năm 2030.

Các nguồn điện NLTT (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) tăng từ 38,2GW năm 2020 lên đến 73,78GW, nhất là các nguồn điện gió, mặt trời, sinh khối... tăng từ 17,4GW năm 2020 lên đến hơn 44,4GW năm 2030.

Tỷ trọng tổng các nguồn NLTT trong cơ cấu công suất chiếm tới 50,3% vào năm 2030, mặc dù tỷ trọng thủy điện giảm mạnh do tiềm năng còn ít (từ 30% giảm còn 20%). Điện sản xuất từ nguồn điện NLTT chiếm 36% vào năm 2030.

Quy hoạch điện VIII cũng xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, và nhu cầu vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD.

Định hướng giai đoạn 2031-2050  ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Tạ Nhị