Thế nào là phát triển nông nghiệp bền vững?
Nông nghiệp bền vững hiểu đơn giản là một chuỗi sản xuất. Gồm sản xuất lương thực, thực phẩm và cây trồng, vật nuôi. Trong đó, người sản xuất (nông dân) đã sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đối xử tốt với vật nuôi. Từ đó thỏa mãn nhu cầu của con người ở hiện tại, tương lai.
Một nền nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là: đảm bảo nhu cầu nông sản của loài người hiện nay và duy trì được tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau (trong đó bao gồm gìn giữ được quỹ đất, quỹ nước, quỹ rừng, không khí và khí quyền, tính đa dạng sinh học v.v…). Theo đó, việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững là việc làm vô cùng cấp thiết, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển.
Cạnh đó, nền nông nghiệp bền vững cung cấp một nguồn nông sản sạch mà không gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để đạt được điều đó thì điều cốt lõi nhất hình thành một nền nông nghiệp bền vững chính là phải tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường.
Tựu trung lại, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững chính là quá trình nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt các vấn đề xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển bền vững trong nông nghiệp. (Ảnh: Internet).
Tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp bền vững
Có thể nói, nền nông nghiệp bền vững có khả năng tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp lên kinh tế và xã hội của đất nước. Cụ thể như sau:
Vai trò với kinh tế
Trên tinh thần vừa đảm bảo nhu cầu nông sản vừa duy trì tài nguyên thiên nhiên thì việc phát triển nền nông nghiệp bền vững sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp xanh - sạch, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến. Qua đó, nền nông nghiệp bền vững giúp định hình thương hiệu và nâng cao giá trị của nông sản trên thị trường, đặc biệt là hướng vào các sản phẩm xuất khẩu. Một nền nông nghiệp đề cao môi trường sinh thái ắt sẽ thu hoạch được nông phẩm sạch tương ứng.
Nông dân huyện Trà Ôn thu hoạch cam sành, thành quả của phát triển kinh tế thông qua nông nghiệp bền vững. (Ảnh: Báo Nhân dân).
Vai trò với xã hội
Thêm nữa, việc phát triển nông nghiệp bền vững còn có những đóng góp cụ thể cho phát triển xã hội. Đó là bảo đảm sự công bằng trong phát triển, bảo đảm cuộc sống của người nông dân đạt kết quả ngày càng cao. Phát triển nông nghiệp bền vững tạo cơ hội canh tác tập trung nhằm tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từ đó góp phần giúp người dân trau dồi kinh nghiệm, nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ xóa đói giảm nghèo, khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội có xu hướng thuyên giảm rõ rệt.
Ngoài ra, nông nghiệp bền vững còn tạo điều kiện giữ cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường sống. Đây là một nội dung quan trọng trong việc xác định phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Nông sản từ quá trình phát triển nông nghiệp bền vững được đánh giá cao khi và chỉ khi nó đáp ứng đủ niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, giá cả, dịch vụ, phương thức sản xuất và phương thức cung cấp.
Thay vì gặt lúa thủ công, nay người dân đã có thể vận dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. (Ảnh: Internet).
Nhìn chung, việc định hình một nền nông nghiệp bền vững đã và đang là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển của xã hội. Nhờ vậy, nông nghiệp trong nước mới có thể trước tiên đáp ứng nhu cầu cũng như nguyện vọng của người dân, sau đó là tiệm cận hơn với các quốc gia phát triển và đang phát triển khác trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.