Chiến Chiến ·
25 tuần trước
 5632

Hôm nay (27/5): Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Hôm nay, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bước sang tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 7, ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về nội dung này. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, một số cơ quan, tổ chức liên quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các ĐBQH để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 Chương, 142 Điều (tăng 6 điều).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho hay, Dự án Luật BHXH là dự luật khó, phức tạp, tác động đến đông đảo người lao động và người nghỉ hưu. Dự án luật này đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội cả nước. Vì vậy, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đối tượng tác động, đặc biệt là vấn đề rút BHXH một lần.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thiết kế 2 phương án trình Quốc hội quyết định việc rút BHXH một lần. Theo đó, Phương án 1: người lao động có thời gian đóng BHXH trước khi Luật có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án 2: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.