Kim Chi ·
1 năm trước
 1474

Hơn 27 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 ước đạt gần 27,72 tỷ USD. Cũng trong năm 2022, 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2022, mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và dần lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Kết quả đáng ghi nhận này cho thấy những đối sách phù hợp của Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, việc xác định đúng đắn 3 mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược đã giúp nền kinh tế nhanh chóng trở lại nhịp độ tăng trưởng sau một thời gian dài bị đình trệ do tác động của dịch Covid-19.

Hoạt động đầu tư của Việt Nam trong năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Mới đây, Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022. Theo đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.089,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD). Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 534 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 367 triệu USD) so với năm trước.

Trong năm 2022, 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD. Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉnh Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ. Tỉnh Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD).

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 534 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 367 triệu USD) so với năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu đầu tư có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề. Hiện nay, xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang các lĩnh vực sản xuất hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh nên Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ để bắt kịp với sự thay đổi đó.