Gia Bảo ·
2 năm trước
 1499

Dòng vốn FDI là điểm tựa cho các doanh nghiệp bất động sản

Hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, thì dòng vốn FDI được xem là “điểm tựa” giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường.

FDI giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường

Thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức với những khó khăn của thị trường vốn nói chung cũng như các vướng mắc về mặt pháp lý kéo dài. Tuy nhiên, ông Neil MacGregor - Tổng Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang có các tín hiệu tích cực giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường.

Dòng vốn FDI được xem là “điểm tựa” giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường. (Ảnh minh họa)

Khi thế giới đang có nhiều biến động như lạm phát tăng cao, giá dầu tăng, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada, Anh... trong nửa cuối năm 2022 đã nhanh chóng đưa ra thêm nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm siết chặt tiền tệ. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 4 lần liên tiếp điều chỉnh lãi suất mục tiêu trong năm nay, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75 - 4% và dự báo những thách thức này sẽ còn duy trì trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam, tạo sức ép lên lạm phát.

Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu được công bố ngày 11/10 cho thấy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ ra nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn đầy thách thức do giá cả và lãi suất tăng mạnh đe dọa đà phục hồi trên toàn thế giới. Cả các nền kinh tế phát triển và đang nổi lên đều đối mặt những vấn đề ngày càng gia tăng.

Sau những tín hiệu phục hồi khả quan sau đại dịch, trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Những động thái này được xem là cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và duy trì niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần nâng lãi suất và tăng trần lãi suất tiền gửi. Trong lần điều chỉnh cuối ngày 24/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

Số liệu Tổng cục Thống kê cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng đến hết quý III đạt 10,5% - rất gần mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng. Với kết quả này, hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ còn khoảng 3,5% cho quý cuối năm. Với hạn mức này, tín dụng sẽ tập trung ưu tiên mục đích cho sản xuất - kinh doanh và các dịch vụ liên quan.

Mới đây, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, từ đó tăng trưởng một cách lành mạnh và bền vững hơn trong trung và dài hạn.

Ông Neil MacGregor nhấn mạnh: “Việc Chính phủ chủ động siết chặt các kênh huy động vốn như trái phiếu, tín dụng sẽ có những tác động ngắn hạn nhất định đến nhiều ngành nghề kinh doanh, sản xuất và dịch vụ trong nước, trong đó có bất động sản. Đổi lại, chúng ta sẽ thấy một thị trường tài chính minh bạch, tăng uy tín trong mắt các nhà đầu tư quốc tế”.

Tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Mặt khác, vị Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng tình trạng này giới hạn khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước của các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Neil MacGregor nói: “Các nhà đầu tư cũng như các đơn vị phát triển bất động sản đang bị đẩy vào một giai đoạn đầy thách thức khi các kênh huy động vốn như phát hành trái phiếu, tín dụng, thị trường chứng khoán đều bị gián đoạn”.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản là khoảng 93.000 tỷ đồng, chiếm 28,87% tổng giá trị phát hành và có xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua.

Bên cạnh vấn đề về nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều trở ngại cả về khách quan và chủ quan. Cụ thể như lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và chi phí xây dựng.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Đây là vướng mắc lớn nhất của thị trường đã tồn đọng trong nhiều năm qua.

Để đảm bảo ngành bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc để phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, ông Neil MacGregor chỉ ra giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Ông Neil MacGregor chia sẻ: “Trong khi các kênh huy động vốn đều không khả thi, các doanh nghiệp nên tìm đến kênh FDI như một giải pháp phù hợp. Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất - chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.

Ông Neil MacGregor chia sẻ: "Các doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Với những quỹ đất sạch, cách làm việc minh bạch và năng lực sẵn có của chủ đầu tư, không khó để doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Hơn nữa, với những lợi thế về am hiểu thị trường và các thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong nước, kết hợp với kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều dự án bất động sản quy mô lớn với chất lượng tốt đã được cung cấp cấp cho thị trường ở mọi phân khúc".