Bích Ngọc ·
39 tuần trước
 10339

Hơn 80 doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi, gốc trái phiếu

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà MBS Research công bố, có đến 73% doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản.

MBS Research cho biết, chỉ riêng trong quý II/2023 đã có thêm nhiều doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi, gốc trái phiếu với giá trị lưu hành, ước tính gần 24.300 tỷ đồng. 

Tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 82 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu, trong đó ước tính tổng giá trị của trái phiếu chậm trả là khoảng 183.000 tỷ đồng (chiếm 17% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường). Được biết, nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất là bất động sản, khoảng 73% khối lượng chậm trả.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trong quý II/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là trong tháng 6/2023 với hơn 30.600 tỷ đồng trái phiếu được phát hành. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 65.252 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 65%, đây là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường khi lượng giá trị phát hành giảm mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây. 

Trong 6 tháng đầu năm nay, kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3.79 năm với lãi suất huy động bình quân 10.1%, cao hơn so với mức 7.9% lãi suất trung bình của năm 2022.

Trong nửa đầu năm nay, bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng giá trị trái phiếu phát hành tính từ đầu năm. 

Theo đó, những doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất trong nửa đầu năm nay gồm có: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên (trị giá 7.200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh Doanh Nam An (trị giá 4.700 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam (trị giá 4.695 tỷ đồng).

Trong quý II/2023, hoạt động phát hành của nhóm ngân hàng diễn ra sôi nổi với 19.800 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 55% tổng giá trị phát hành trong quý II/023. Trong 6 tháng đầu năm có tổng cộng 10 ngân hàng khác nhau huy động được 20.200 tỷ đồng trái phiếu, tỷ lệ 31%. Kỳ hạn bình quân gia quyền các trái phiếu ngân hàng là 4,02%/ năm (mức lãi suất bình quân đạt 7,5%/năm). 

Các đợt phát hành đáng chú ý trong nửa đầu năm 2023 gồm có: Techcombank (trị giá 8.000 tỷ đồng), TPBank (trị giá 3.800 tỷ đồng), HDBank (trị giá 2.000 tỷ đồng), OCB (trị giá 2.000 tỷ đồng).

Trong quý II/2023, hóm ngân hàng cũng đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn. Giá trị trái phiếu ngân hàng được các tổ chức này mua lại đến từ các ngân hàng lớn như: OCB, MSB, TPBank và BIDV.

Tăng trưởng tín dụng thấp thể hiện việc nhu cầu vay vốn không cao, trong khi thanh khoản trong hệ thống dồi dào, tình trang tiền dư tồn đọng xảy ra khiến cho các nhà băng dịch chuyển dòng tiền của mình vào việc mua lại trái phiếu nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng vốn, làm giảm mức độ thừa vốn.

Bên cạnh đó, theo thông tư 41/2016/TT-NHNN, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu cũng giúp không phải khấu trừ vốn cấp 2, cùng với đó có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung lại nguồn vốn cần thiết để đáp ứng quy định về an toàn vốn.

Được biết, Thông tư này quy định, đối với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 - chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên - sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá

Tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 115.400 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 tăng vọt 48%.

Theo SSI Research ước tính, số tiền gốc trái phiếu đã thành công thực hiện điều chỉnh hoãn nợ gốc/điều chỉnh lãi suất hoặc chuyển đổi trái phiếu lên đến 66 nghìn tỷ đồng. Tích cực nhất trong việc đàm phán gia hạn nợ với nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2023 là các công ty trong tập đoàn Nova, Sovico và Vietracimex.

SSI Research nhấn mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ các động thái từ Chính phủ thế nhưng những giải pháp hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành, sẽ khó có thể ngay lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6682358568490509/?