Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Theo đóm, mã MCM của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu bị HoSE cắt margin, nguyên nhân là do thời gian niêm yết dưới 6 tháng.
Trước đó, 110 triệu cổ phiếu MCM đã chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HoSE và có phiên giao dịch đầu tiên vào 25/6/ với giá tham chiếu là 42.800 đồng/cp, tương ứng Mộc Châu Milk được định giá hơn 4.700 tỷ đồng. Sau 2 phiên giao dịch đầu tiên, thị giá MCM hiện còn 42.100 đồng/cp.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo tìm hiểu, Mộc Châu Milk được biết thương hiệu sữa lâu đời nhất ở Việt Nam. Đến năm 2020, Mộc Châu Milk chính thức về tay CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua GTNFoods (đã sáp nhập vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico). Vinamilk hiện đang nắm trực tiếp 8,85% vốn MCM và nắm 59,3% vốn qua Vilico.
Với việc thêm MCM vào danh sách, tính đến 25/6/2024 số lượng cổ phiếu bị cắt margin trên HoSE là 86 mã. Trong đó, có một số mã đáng chú ý như VTP của Viettel Post, FRT của FPT Retail, HVN của Vietnam Airlines, SMC, HNG, HBC, HAG, DXS,…
Những nguyên nhân được HOSE đưa ra bao gồm chứng khoán thuộc diện cảnh báo/kiểm soát/hạn chế giao dịch; lợi nhuận sau thuế là số âm, báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán; thời gian niêm yết dưới 6 tháng…
Nhà đầu tư cần làm gì khi cổ phiếu bị cắt margin?
Margin (hay đòn bẩy tài chính) là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư và tối ưu hiệu suất, công cụ này tạo cơ hội tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán.
Cắt margin là việc hạn chế hoặc chấm dứt hoàn toàn việc giao dịch margin (ký quỹ) đối với một cổ phiếu nào đó. Thông thì mỗi quý, các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin và Báo cáo tài chính. Sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ rà soát và công bố danh sách cổ phiếu bị cắt margin.
Về bản chất, việc cắt margin có mục đích bảo vệ nhà đầu tư trước những mã cổ phiếu có rủi ro cao. Cùng với đó là chế tài đối với doanh nghiệp niêm yết vi phạm các quy định của pháp luật.
Tuy vậy, cổ phiếu bị cắt margin cũng tác động ngược tới nhà đầu tư và các công ty chứng khoán. Việc bị cắt margin dẫn đến việc nhà đầu tư mất đi cơ hội sinh lời lớn từ cổ phiếu đó. Đối với những cổ phiếu bị dừng giao dịch ký quỹ do doanh nghiệp có vấn đề, nhà đầu tư thường lo ngại phải bán cổ phiếu do vậy có thể gây ra tác động đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng là đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hạn chế giao dịch margin làm cho công ty chứng khoán mất đi một khoản lợi nhuận đáng kể.
Các chuyên gia cho hay, cổ phiếu bị cắt margin là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với các cổ phiếu rủi ro. Tuy vậy, có những doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời, cần thời gian để phục hồi. Do đó, việc một cổ phiếu bị cắt margin không thể phản ánh hết tình hình của doanh nghiệp hay cho thấy cổ phiếu là tốt hay xấu.
Chính vì thế, khi cổ phiếu bị cắt margin, nhà đầu tư không nên nóng vội để bị ảnh hưởng tâm lý mà nên tìm hiểu rõ lý do bị cắt margin, tình hình hiện tại của doanh nghiệp, chất lượng tài sản, giá trị nội tại, ban lãnh đạo… Trong giai đoạn này, để có những chiến lược đầu tư đúng đắn thì nhà đầu tư cần bình tĩnh và phân tích thị trường một cách khách quan.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8011168448942841