Minh Anh ·
24 tuần trước
 8013

Hưng Hải Group và tham vọng ngành khai thác đất hiếm

Là một doanh nghiệp rất có tiếng trong lĩnh vực khoáng sản, cũng như ngành năng lượng tái tạo, Tập đoàn Hưng Hải liệu có đảm bảo năng lực khi được giao khai thác chế biển mỏ đất hiếm tại Lai Châu?

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của "Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu" để lấy ý kiến tham vấn rộng rãi của cộng đồng.

Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải là chủ đầu tư dự án; Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Hà Nội) là đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM. Tổng diện tích sử dụng đất phục vụ cho dự án gần 182ha thuộc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ; thời gian hoạt động dự án được đề xuất 30 năm.

Theo tìm hiểu, mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có tổng trữ lượng tài nguyên cả quặng gốc và quặng phong hóa trên 7,5 triệu tấn đất hiếm, trữ lượng, tài nguyên đất hiếm phong hóa của mỏ được phê duyệt là 1,16 triệu tấn. Khoáng sản đi kèm là barit, trữ lượng gần 3 triệu tấn.

Các vị trí dự án khai thác đất hiếm.

Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải có địa chỉ trụ sở chính tại Tổ 10, Phường Đoàn Kết, Thành phố Lai Châu, Tỉnh Lai Châu, Việt Nam, mã số doanh nghiệp: 5600147356, được đăng ký lần đầu: ngày 25/04/2003. Sau lần đăng ký thay đổi lần thứ: 17, ngày 04/05/2022 thì vốn điều lệ của Xây dựng Hưng Hải là 400 tỷ đồng.

Danh sách thành viên góp vốn: Cổ đông chính là ông Trần Đình Hải tham gia góp vốn điều lệ 397.680.000.000 VNĐ tương đương 99,42% cổ phần.

Người còn lại là ông Vũ Quang Trường khi góp 2.320.000.000 VNĐ tương ứng với 0,58% cổ phần. Ngoài ra, Xây dựng Hưng Hải còn được cho là đang sở hữu 20% cổ phần tại Lavreco. Như vậy, cả 3 mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước vừa được đề cập đến đều ít nhiều có sự góp mặt của Xây dựng Hưng Hải.

Bên cạnh đó, Xây dựng Hưng Hải cũng tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đất hiếm trên cả nước, trong đó có Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nhật (hoạt động tại phường Cốc Lếu, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2017, Xây dựng Hưng Hải nắm giữ 10% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của Đất hiếm Việt Nhật là ông Nguyễn Thế Lực (31%) và ông Lưu Anh Tuấn (19%).

Vào tháng 9/2018, Xây dựng Hưng Hải và ông Lưu Anh Tuấn cùng tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đất hiếm Tây Bắc (hoạt động tại phường Đông Phong, Lai Châu), với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 55% và 10%.

“Tham vọng” của ông chủ Hưng Hải Group

Ông Trần Đình Hải (SN 1964) cũng chính là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group). Hưng Hải Group tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Hưng Hải được thành lập từ năm 2000, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

Vào ngày 8/12/2008, Hưng Hải Group được thành lập trên cơ sáp nhập các công ty có liên quan đến ông Trần Đình Hải. Tính tới tháng 10/2016, quy mô vốn của doanh nghiệp này đạt 200 tỷ đồng. Trong đó, ông Hải góp 190 tỷ đồng, sở hữu 95% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Vũ Quang Trường và bà Trần Thị Hiền.

Tại một số địa bàn như tỉnh Quảng Trị, Đồng Nai, Bình Phước, Tập đoàn Hưng Hải đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào mảng điện năng lượng tái tạo thời gian qua. 

Tại Quảng Trị, Tập đoàn Hưng Hải đề xuất (và đã được đồng ý chủ trương việc khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch) dự án điện mặt trời nổi trên hồ Bảo Dài (huyện Vĩnh Linh). Dự án dự kiến sử dụng khoảng 92ha mặt nước hồ (trước đó tỉnh đã cho phép HTX kinh doanh nuôi trồng thủy sản Bảo Đài nuôi trồng và khai thác thủy sản tự nhiên đến hết 20/9/2021).

Tại Bình Phước, ghi nhận cụm 5 nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh có tổng công suất 800MWp do Tập đoàn Hưng Hải thực hiện. Trong đó, điện mặt trời Lộc Ninh 5 (do Công ty CP năng lượng Lộc Ninh 5 – đơn vị thành viên của Lộc Ninh làm chủ đầu tư) được xây dựng trên diện tích 60ha tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng (với khoản tín dụng tài trợ 562 tỷ đồng từ Vietcombank Kỳ Đồng).

Điện mặt trời Lộc Ninh 4 (do Công ty Risen Energy Hongkong làm tổng thầu thi công, xây dựng tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh với công suất 200 MWp) có tổng mức đầu tư lên tới hơn 3.700 tỷ đồng. Đây được coi là dự án lớn hàng đầu tại tỉnh Bình Phước, đã vận hành thương mại vào cuối tháng 12/2020. 

Tại tỉnh Đồng Nai, tập đoàn mới đây đề xuất đầu tư dự án điện mặt trời Phú Cường (trên mặt hồ Trị An khu vực xã Phú Cường, huyện Định Quán) với diện tích khảo sát 1.500ha, công suất 350MW.

Tại Trà Vinh, Tập đoàn Hưng Hải đề xuất bổ sung dự án điện gió 400MW hơn 17.000 tỷ đồng vào quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.

Đã được phê duyệt trong quy hoạch điện gió tỉnh Trà Vinh, dự án điện gió tại vị trí V3-7 ngoài khơi xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh do Tập đoàn Hưng Hải lập báo cáo bổ sung quy hoạch trình Chính phủ – đây là một thủ tục quan trọng để chủ đầu tư triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Dự kiến sản lượng điện hàng năm khoảng 1.367MWh, dự án có tổng công suất lắp đặt 400MW, diện tích khảo đất và mặt nước là 3.510ha với 66 tuabin gió.

Quay lại thời điểm 2021, Tập đoàn Hưng Hải cũng vướng vào những lùm xùm liên quan đến việc thanh toán công nợ với BB Power Holdings theo hợp đồng đặt cọc số tiền hơn 108 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do, BB Power Holdings đã nhiều lần yêu cầu ông Trần Đình Hải thực hiện việc thanh toán và xác nhận công nợ tuy nhiên hai bên không tìm được tiếng nói chung dẫn đến việc nhiều công nhân đã đến căng băng rôn, biểu ngữ đòi tiền với Tập đoàn Hưng Hải ngay tại trụ sở.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường TS. Nguyễn Thành Sơn (chuyên gia kỹ thuật mỏ) cho biết, khai thác đất hiếm không khó, quan trọng là khâu tuyển và chế biến. Việt Nam đã nghiên cứu hơn 40 năm, song vẫn chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu để cho ra sản phẩm chất lượng cao.

"Gọi là đất hiếm nhưng không phải hiếm, Bản chất hàm lượng của nó trong vỏ trái đất còn nhiều hơn cả chì, đồng... Nó hiếm vì nó không tồn tại dưới dạng quặng nguyên sinh như chì, đồng... mà nó tán xạ, tồn tại dưới dạng vi lượng, rất khó tuyển và chế biến.

Theo thống kê, có tới 51 quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm. Song, đa số các nước sẽ giữ bí mật các số liệu liên quan, cách tính trữ lượng của họ cũng khác nhau, do đó rất khó so sánh về trữ lượng khi không cùng mẫu số.

Nhiều nguồn tin có đề cập đến việc Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, song tôi cho rằng cần xem xét lại. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá thì khi nói về trữ lượng thì nó phải khả thi về mặt kinh tế, tức là anh phải tuyển được, chế biến sâu được, còn không thì chỉ có thể gọi đó là tiềm năng", ông Sơn phân tích.