Gia Bảo ·
1 năm trước
 9932

Kế hoạch chuyển giao ngân hàng yếu kém đang dần "nóng"

Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đến năm 2025 ngành ngân hàng phải xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng thương mại sẽ được nới tới 49% room ngoại

Từ đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có Chỉ thị 01 chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xử lý ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay (DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank).

Ngoài ra, từ giữa tháng 10/2022, NHNN đã đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt. Như vậy, số lượng các ngân hàng yếu kém cần phải tập trung xử lý đã có sự gia tăng đáng kể.

Để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, mới đây NHNN ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Dự thảo này đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm nhân hàng "Big 4") sẽ được nới room vốn ngoại lên mức tối đa 49%.

Như vậy, NHNN khuyến khích, cho phép các ngân hàng lớn mua lại hay sáp nhập các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém để hỗ trợ các ngân hàng này cũng như để tránh những tín hiệu xấu trong hệ thống ngân hàng.

Thực tế còn cho thấy M&A là con đường tăng vốn ngắn nhất với nhiều ngân hàng hiện nay.

Nhiều thương vụ lớn cũng dần được lộ diện

Sau khi thông qua phương án sáp nhập một ngân hàng trong năm 2022, đầu năm nay, lãnh đạo Vietcombank cho biết đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc, đang triển khai nhanh để đáp ứng đúng tiến độ của NHNN.

Theo báo cáo về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc CBBank. Trước đó, Vietcombank cũng đã được chỉ định tham gia hỗ trợ CBBank tái cơ cấu, khi ngân hàng này bị mua lại bắt buộc 0 đồng do thua lỗ, âm vốn. Tương tự, sau khi thông qua phương án sáp nhập, OceanBank được cho là sắp “về” với MB (Ngân hàng Quân đội). Theo tính toán của MB, sẽ mất khoảng 7-8 năm để có thể xử lý hết số lỗ lũy kế mà OceanBank chuyển giao.

Trong năm 2022, ngoài việc trình cổ đông việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (thương vụ này đã hoàn thành vào cuối tháng 3/2023), VPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Phương án được nhiều chuyên gia kỳ vọng là VPBank sẽ tham gia tái cơ cấu GPBank.

Năm 2022, Hội đồng quản trị HDBank cũng trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một NHTM được kiểm soát đặc biệt là DongABank. Sau khi HDBank tham gia tái cấu trúc, ngân hàng được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho biết sẽ trình phương án sáp nhập thêm một ngân hàng tại đại hội đồng cổ đông 2023 trong tháng 4 này. Vị này cho biết, MSB đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn. Hiện PGBank là một trong số các ngân hàng được MSB quan tâm.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, các thương vụ sáp nhập ngân hàng yếu kém trong thời gian tới không giống như các thương vụ trước đây (theo kiểu “hôn nhân” giữa 2 tổ chức tín dụng). Ngân hàng yếu kém được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ và là pháp nhân độc lập.