Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7696

Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp?

Thời gian qua, những khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã khiến không ít cổ đông lo ngại, câu hỏi chất vấn lãnh đạo các ngân hàng liên tục được đưa ra.

Lãnh đạo các ngân hàng lên tiếng về tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

VPBank: Không có sức ép nợ xấu với trái phiếu Novaland

Mới đây, vào ngày 18/4 tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng VPBank, lãnh đạo Ngân hàng đã nhận được câu hỏi từ các cổ đông về tình hình số dư trái phiếu hiện nay của VPBank, VPBank có rủi ro gì với số dư trái phiếu của Novaland?

Theo đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho hay, VPBank hiện đang đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và đã giảm 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2022, dự kiến vào cuối tháng 6 sẽ tiếp tục giảm còn 20.000 tỷ.

Trong đó, trái phiếu lĩnh vực bất động sản là gần 60%, còn lại 40% là các lĩnh vực khác gồm có các doanh nghiệp như Masan, Becamex, CII...

Ở nhóm trái phiếu bất động sản, hiện VPBank đang tham gia vào hơn 40 nhà phát triển bất động sản và không có nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, TPDN có tài sản bảo đảm là 100%. Ông Nguyễn Đức Vinh cũng khẳng định VPBank là người đầu tư và cũng là người quản lý tài sản bảo đảm đó, chính vì thế VPBank có khả năng xử lý nếu trái phiếu có vấn đề.

Đối với trái phiếu Novaland, lãnh đạo VPBank cho biết, doanh nghiệp này là một trong 44 nhà phát triển bất động sản mà VPBank đầu tư. Trái phiếu của Novaland có số dư không nhiều (dưới 1% tổng dư nợ) và có tài sản bảo đảm. VPBank hiện đang quản lý dòng tiền cho vay khách hàng cá nhân mua dự án, dòng tiền vẫn còn để chi trả các nghĩa vụ nợ.

Cũng theo ông Vinh, từ nay cho tới cuối năm Ngân hàng không có sức ép về nợ xấu với Novaland. Tuy vậy, việc cơ cấu lại nợ cho Novaland là cấp thiết, và hiện đang tìm giải pháp có thể là thông qua chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản.

Ngoài ra, lãnh đạo VPBank cũng cho hay, hiện Ngân hàng đang sở hữu hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, là tài sản có thanh khoản tốt.

SHB khẳng định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều thanh toán đủ

SHB khẳng định khi được cổ đông chất vấn về danh mục trái phiếu của ngân hàng, SHB khẳng định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều thanh toán đủ.

Theo Tổng Giám đốc SHB - Ngô Thu Hà, hiện danh mục trái phiếu của Ngân hàng có 3 phần: Trái phiếu chính phủ (19.000 tỷ đồng); Trái phiếu tổ chức tín dụng (1.150 tỷ) và cuối cùng là Trái phiếu tổ chức kinh tế (13.186 tỷ).

Vấn đề cổ đông quan tâm nhất là về trái phiếu của các tổ chức kinh tế, lãnh đạo SHB cho hay, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, đã bắt đầu có dòng tiền. còn lại 40% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, trong đó các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3 – 5 năm.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng được cổ đông đề nghị làm rõ khoản đầu tư hơn 4.100 tỷ vào bất động sản/ quyền sử dụng đất.

Theo ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB, con số 4.100 tỷ chỉ là giá trị sổ sách của các trụ sở, chi nhánh của SHB tại Hà Nội. Các tài sản này ngân hàng đã mua cách đây rất lâu và giá trị thực tế hiện giờ còn cao hơn rất nhiều.

Trong đó, SHB đã mua khu đất 31 – 33 Lý Thường Kiệt với diện tích 2.200m là đất thổ cư, đất ở lâu dài làm trụ sở. Ngân hàng hiện đã xin phép các cơ quan quản lý xây cao tầng nhưng đang bị vướng thủ tục pháp lý và sẽ chốt lại vào năm nay theo quy định là 8 tầng của cơ quan quản lý để xúc tiến xây dựng.

VIB: Tín dụng bất động sản tập trung cho vay tiêu dùng

Ở ĐHĐCĐ Ngân hàng VIB vào hồi giữa tháng 3, lãnh đạo ngân hàng cũng nhận được câu hỏi của cổ đông những vấn đề liên quan đến tín dụng bất động sản.

Theo ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB, ngân hàng đã dùng 210 nghìn tỷ đồng để cho vay bán lẻ vào năm 2022. Theo đó, cho vay mua nhà ở chiếm 50%, sản xuất kinh doanh chiếm 18-19%, mua ô tô chiếm 18-19% và thẻ tín dụng chiếm 7%, phần còn lại là cho vay sửa chữa nhà, cấp tín dụng thông qua cầm cố bằng sổ tiết kiệm.

Về trái phiếu doanh nghiệp, theo lãnh đạo VIB, dựa vào báo cáo của Credit Suisse và Moody's có thể thấy hiện trái phiếu tại VIB chỉ có 1.800 tỷ trên tổng 32.000 tỷ dư nợ. Trái phiếu hầu hết đều thuộc nhóm sản xuất kinh doanh và định chế tài chính, chỉ có 3% trái phiếu là cho vay bất động sản.

ACB: Hiện Ngân hàng đang có danh mục trái phiếu an toàn

Ở ACB, Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát cũng trả lời cổ đông về danh mục tín dụng và trái phiếu của ngân hàng, trong đó, ở danh mục dư nợ của ACB có 65% cho vay khách hàng cá nhân và 30% là cấp tín dụng cho khối SME.

Trong danh mục cho vay cá nhân của ngân hàng này có đến 40% cho vay các hộ sản xuất kinh doanh. Còn lại là cho vay mua nhà và cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, dư nợ tín dụng cho bất động sản trong mảng bán lẻ của ACB cũng không chiếm tỷ trọng lên đến 70-80% như các ngân hàng khác.

Theo lãnh đạo ACB, tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của ngân hàng này hiện vào khoảng 24%. Trong đó, 82% là cho vay mua nhà để ở. Riêng lĩnh vực đầu tư các dự án bất động sản, dư nợ của ACB đang ở mức dưới 1%.

Về vấn đề trái phiếu, lãnh đạo ACB cũng khẳng định ngân hàng hiện đang có một danh mục trái phiếu an toàn (với 85% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, 15% vào tổ chức tín dụng lớn hàng đầu tại Việt Nam). Trong năm nay ngân hàng không định hướng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu của các tổ chức tín dụng).

Eximbank: Không tham gia hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Lãnh đạo Eximbank cho biết, hiện cho vay mua bất động sản đang chiếm tỷ trọng khoảng 19%. Dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản hiện vào khoảng 2%. Ngân hàng cũng không tham gia hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Dự kiến, sắp tới vấn đề tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục làm “nóng” hội trường ĐHĐCĐ các ngân hàng, đặc biệt là một số ngân hàng có tỷ trọng lĩnh vực này cao.

Theo Facebook Tạ Ngọc/ DIỄN ĐÀN SỰ THẬT GROUP