Chị Nguyễn Thanh Nga (Thanh Hoá) chia sẻ, với khoản tiền tiết kiệm 200 triệu đồng, chị mang tới ngân hàng gửi, sau đó nhân viên tư vấn lập lờ, hướng dẫn chị chuyển sang loại hình tiết kiệm linh hoạt, có lãi suất cao hơn, được tặng kèm bảo hiểm nhân thọ. Tin lời nhân viên, chị Nga thực hiện theo yêu cầu. Đến cuối năm ngoái, khi cần tiền rút lo việc gia đình, chị Nga ngỡ ngàng vì toàn bộ tiền tiết kiệm bị “hô biến” thành bảo hiểm nhân thọ.
Mặc dù nhiều lần đến ngân hàng khiếu nại, lãnh đạo phòng giao dịch ngân hàng ghi nhận phản ánh nhưng không đưa ra hướng giải quyết và cho biết, nhân viên tư vấn sai cho chị Nga đã nghỉ việc. Sau đó, chị Nga có gửi đơn khiếu nại đến công ty bảo hiểm Prudential nhưng không nhận được phản hồi.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Chị Ngọc Hạnh (Hà Nội) cho hay, sau nhiều lần cân nhắc, cuối tháng 3/2024, chị cũng quyết định bỏ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bị mất khoản tiền phí gần 60 triệu đồng. Theo chị Hạnh, chị không muốn đeo đuổi 10 năm đóng phí rồi số tiền chi cho bảo hiểm nhân thọ sẽ có thể đi theo quỹ đầu tư được mất cho mấy chục năm về sau.
Thống kê cho thấy, năm 2023 số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giảm mạnh. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực ở mức 13,92 triệu đồng. Năm 2023, có thêm 1,91 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cấp mới. Tuy vậy, đến ngày 31/12/2023, toàn thị trường chỉ có 12,44 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực. Có thể thấy, chỉ riêng năm 2023 đã có khoảng 3,39 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mất hiệu lực.
mặc dù doanh thu phí giảm, nhưng kết quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đạt lợi nhuận lớn. Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Manulife Việt Nam, trong năm 2023 doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 21.052 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022. Chi phí bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm năm 2023 là 8.623 tỷ đồng, so với 2022 tăng 25%. Nhưng Manulife vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 3.270 tỷ đồng.
Tại kết luận thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố tỷ lệ huỷ hợp đồng bảo hiểm sau năm đầu tiên lên tới 60% - 70%.
Theo bà Phạm Thu Phương - Cục phó Quản lý, giám sát bảo hiểm, đã hoàn tất việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023 và công bố kết luận thanh tra của 2 doanh nghiệp gồm: Dai-ichi và AIA.
Các sai phạm phổ biến của DN bảo hiểm liên quan ban hành quy chế, kiểm soát, giám sát đại lý; hạch toán, kế toán có sai sót. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã xử phạt hành vi vi phạm hành chính. Cơ quan này đang phối hợp với cục thuế xử lý vấn đề nợ thuế.
Bà Phương cho hay, qua quá trình thanh tra, đã phát hiện sai phạm của doanh nghiệp bảo hiểm liên quan ban hành quy chế, kiểm soát, giám sát đại lý; công tác quản lý và sử dụng đại lý sai phạm, công tác hạch toán, kế toán có sai sót.
Tại Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đưa ra nhiều quy định với mục đích ngăn tình trạng “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng. Tiêu biểu như, ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để tư vấn, bán bảo hiểm. Khu vực này phải tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc khách hàng bỏ hợp đồng bảo hiểm xảy ra nhiều hệ luỵ. Do đó, thời gian tới, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm, để từng bước làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền lợi khách hàng mua bảo hiểm.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7615318241861199/?