Long Mai ·
3 năm trước
 2921

Khẩu trang y tế vẫn có hiệu quả lọc vi khuẩn đến 98% sau 10 lần giặt

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Pháp đã mở ra triển vọng kéo dài thời gian sử dụng của khẩu trang y tế. Theo đó, khẩu trang y tế sau một lần sử dụng và được giặt 10 lần trong máy giặt vẫn có hiệu quả lọc vi khuẩn đến 98%.

Khẩu trang và khẩu trang y tế dùng một lần được xem là vật bất ly thân tại nhiều quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên việc sử dụng khẩu trang cũng nảy sinh không ít vấn đề nhất là vấn đề rác thải và môi trường từ khẩu trang y tế. Hiện nay rác thải từ khẩu trang y tế và xử lý rác thải khẩu trang y tế đang trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết.

Nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học Pháp cho biết, khẩu trang y tế sau một lần sử dụng và được giặt 10 lần trong máy giặt vẫn có hiệu quả lọc vi khuẩn, thậm chí là vượt trội so với khẩu trang vải, theo tỉ lệ tương ứng là 98% và 90%.

Nghiên cứu trên được thực hiện theo đề nghị của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) và Ủy ban năng lượng và năng lượng nguyên tử Pháp (CEA). Mục đích nhằm ứng phó với những thách thức lớn về sinh thái và kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ Pháp kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong ít nhất một vài tháng, hoặc thậm chí có thể quy định việc đeo khẩu trang là tiêu chuẩn thực hành vệ sinh thông thường.

khẩu trang y tế

Khẩu trang y tế sau một lần sử dụng và được giặt 10 lần trong máy giặt vẫn có hiệu quả lọc vi khuẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Shutterstock)

Trên thế giới, ước tính có khoảng 129 tỉ chiếc khẩu trang dùng một lần được sử dụng mỗi tháng, 3 triệu chiếc mỗi phút hay 50.000 chiếc mỗi giây, tùy cách định lượng. Một nghiên cứu riêng biệt báo cáo rằng 3,4 tỉ khẩu trang bị vứt bỏ mỗi ngày, trong đó châu Á vứt bỏ 1,8 tỉ khẩu trang mỗi ngày, số lượng cao nhất so với bất kỳ châu lục nào trên toàn cầu. Trung Quốc, với dân số lớn nhất thế giới (1,4 tỉ người) bỏ gần 702 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày. Những chiếc khẩu trang đó là loại dùng một lần, đủ rẻ để dùng một lần rồi vứt đi.

Tác động lớn nhất của rác thải khẩu trang có lẽ là ở môi trường dưới nước, khi các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo "làn sóng" rác thải khẩu trang, găng tay cao su và đồ bảo hộ khác đang "mon men tìm đường" vào những bãi biển và con sông vốn đã ô nhiễm.

Theo nhóm môi trường OceansAsia, cuối năm 2020, ước tính hơn 1,5 tỉ chiếc khẩu trang đã đổ vào các đại dương trên thế giới, chiếm khoảng 6.200 tấn ô nhiễm rác thải trên biển. Điều này rất nguy hiểm đối với các loài sinh vật biển như cá heo, rùa biển... vì chúng có thể nuốt phải khẩu trang vì ngỡ là thức ăn. Khẩu trang sẽ làm tắc đường hô hấp hoặc tiêu hóa và làm chúng chết vì ngạt thở hoặc đói.

Trao đổi về vấn đề này, điều phối viên khoa học của Trung tâm nghiên cứu lâm sàng thuộc Bệnh viện Đại học Grenoble, ông Philippe Cinquin chia sẻ, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm giặt 10 lần với khẩu trang y tế sau một lần sử dụng. Từ đó đưa ra kết luận rằng chỉ nên vứt bỏ khẩu trang khi bề ngoài khẩu trang đã bị hỏng và không còn phù hợp với khuôn mặt của người đeo.

Theo ông Cinquin, lớp vải bên ngoài khẩu trang bị sờn không còn bảo đảm thẩm mỹ, vì vậy thường được coi là không còn giá trị sử dụng dù các đặc tính lọc khuẩn của khẩu trang vẫn hiệu quả. Đồng thời, đeo khẩu trang vừa khít khuôn mặt là cần thiết để bảo đảm khả năng bảo vệ tối ưu, nên tuổi thọ của bộ phận này sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc tái sử dụng khẩu trang.

Tuy nhiên, tại Pháp, cũng như phần lớn các nước khác, khẩu trang y tế được liệt vào dạng thiết bị y tế sử dụng một lần, nghiêm cấm tái sử dụng chủ yếu vì lý do an toàn vệ sinh trong môi trường chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, đối với đông đảo người dân, giặt khẩu trang y tế có khả năng là một giải pháp được ủng hộ. Ở góc độ y tế, khẩu trang y tế được giặt sạch sẽ giữ lại khả năng vi lọc mạnh hơn khẩu trang vải, vì vậy lựa chọn này nên được ưu tiên phổ biến. Vì vậy, với bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang tiếp diễn tại nhiều quốc gia, các tổ chức bảo vệ môi trường đã lên tiếng cảnh báo về "làn sóng" rác thải khẩu trang đe dọa đến toàn bộ hệ sinh thái trên hành tinh.

Nguồn