Phát biểu tại “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 20/12/2022, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay trên thế giới, phát triển bền vững là một xu thế tất yếu và Việt Nam cũng có xu hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời đổi mới sáng tạo. Đây được đánh giá là một trong những chỉ số quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương
Là quốc gia có quyết tâm chính trị cao, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo thực chất, hiệu quả. Để thực hiện thành công quá trình này, có sự tham gia đồng hành của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, từ đó đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp quốc gia.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, có chủ trương chính sách phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân thúc đẩy phát triển khởi nghiệp quốc gia. Nghị quyết số 09 ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã đề ra nhiệm vụ xây dựng, triển khai chương trình đào tạo doanh nhân và chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp. Nghị quyết này cũng đang được Ban Kinh tế Trung ương trực tiếp chỉ đạo và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị triển khai, trình Bộ Chính trị để ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết này trong giai đoạn tới.
Các Đại biểu tham dự “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022”
Ngoài ra, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết về một số chủ trương chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đã xác định một trong những tầm nhìn rất tham vọng là đến năm 2045, khi đó chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam, sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
“Để thực hiện những mục tiêu này, Bộ Chính trị đã đề ra những chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có cơ chế chính sách cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ban chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đồng thời xác định coi chuyển đổi số là một phương thức mới, có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, cũng như coi đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân là đội ngũ tiên phong trong thực hiện sứ mệnh này.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương cũng đề ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, chủ trương lớn để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhấn mạnh các chủ trương đường lối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển các hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, trung tâm đổi mới sáng tạo các ngành, vùng, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, có các chủ trương ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm đặc thù để thúc đẩy hoạt động phát triển thử nghiệm áp dụng sản phẩm, giải pháp, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số; phát triển mạnh mẽ các vườn ươm công nghệ, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở, khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo”, ông Hiển nói.
Cũng theo vị Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã triển khai nhiều đề án, chương trình mà chúng ta đã thu được các kết quả tầm quốc gia. Nổi bật như năm 2022, Việt Nam tiếp tục duy trì chỉ số đổi mới sáng tạo xếp thứ 48 (nằm trong 50 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo) duy trì từ năm 2017 đến nay; đứng thứ 2 trong số 36 nước có mức thu nhập trung bình thấp; và là một số ít quốc gia đang trong quá trình tự tạo ra các sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình.
Các Đại biểu tham quan gian hàng tại “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022”
Những kết quả này đã thể hiện chủ trương, đường lối đã được thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt, trong đó có đóng góp rất lớn của VCCI. Chương trình Festival khởi nghiệp được tổ chức từ năm 2003 đến nay với sự ủng hộ đồng hành của các cơ quan, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam.
“Chúng tôi đánh giá rất cao và điểm khác biệt của chương trình này, đó là các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn nhiều vào các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam. Các sản phẩm tham gia cuộc thi này gắn kết giữa việc chúng ta thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo vị nhân sinh, nhưng vẫn yêu cầu phát triển bền vững của đất nước theo chủ trương. Chương trình cũng hướng đến đối tượng rất cần phải quan tâm, trong đó có UNDP đã đưa các hoạt động truyền thông chính sách, hoạt động đào tạo kiến thức về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đến các trường phổ thông, trường đại học.
Vì vậy thay mặt Ban Kinh tế Trung ương, chúng tôi xin chúc mừng những thành công của chương trình và khẳng định, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã góp phần xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng thiết thực trong việc xây dựng hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”, ông Hiển bày tỏ.
Để Việt Nam thực hiện được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030, ông Nguyễn Đức Hiển phân tích, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, trong đó có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung. Ban Kinh tế Trung ương mong muốn chương trình tiếp tục sẽ đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức, gắn với thực tiễn; qua đó thúc đẩy cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cùng tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực độc lập tự chủ tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045.
Ban Kinh tế Trung ương cũng cam kết đồng hành cùng chương trình, kịp thời phối hợp với các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương có các kiến nghị tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện chủ trương chính sách thúc đẩy khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng ở Việt Nam.