Ngọc Lan ·
42 tuần trước
 9869

Không còn lợi thế về thuế, Việt Nam sẽ thu hút FDI bằng những công cụ gì?

Ngày 29/11/2023, với 462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Với nghị quyết này, từ tháng 1/1/2024, Việt Nam sẽ chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao.

Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức trên cũng không phải chịu thuế suất 15%.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến chính chính sách ưu đãi thuế (miễn thuế, giảm thuế) của Việt Nam sẽ mất đi tác dụng.

Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương.

Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng đáng kể tới chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hiện nay có khoảng 122 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.

Đồng thời việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

Theo MBS, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến chính chính sách ưu đãi thuế (miễn thuế, giảm thuế) của Việt Nam sẽ mất đi tác dụng.

MBS cho biết, để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, một số nước nhận vốn FDI, tương tự như Việt Nam, đã đưa ra chính sách ứng phó, trong đó quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa, để tránh mất đi khoản thu từ phần thuế chênh lệch.

Chẳng hạn như Indonesia và Malaysia áp dụng quy định về chịu thuế tối thiểu bắt đầu từ năm 2024; Thái Lan áp dụng từ năm 2025, nhưng có cơ chế phân bổ 50-70% nguồn thu thuế bổ sung vào quỹ hỗ trợ để giúp một phần cho các doanh nghiệp FDI do áp dụng thuế tối thiểu; Mỹ nâng mức thuế tối thiểu từ 10.5% lên 21%.

MBS cho rằng ngoài việc làm mất đi tác dụng của chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài thì việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn đầu tư quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến chiến lược thu hút đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.

Trả lời trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ThS Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thuế suất 15% tại Việt Nam theo cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn.

Cụ thể, Việt Nam có thể dùng các khoản thu thuế này để hỗ trợ lại doanh nghiệp có khoản chi phí như: Chi phí nghiên cứu về phát triển, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí sản xuất công nghệ cao (như Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra).

Hơn nữa, chính sách hỗ trợ này sẽ áp dụng chung cho các doanh nghiệp và dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình doanh nghiệp. Do vậy, sẽ không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử và phù hợp với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.

Ngoài ra tăng khả năng thu hút FDI, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế.