Thành Phong ·
47 tuần trước
 6708

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ khuyến khích người dân, doanh nghiệp tận dụng mái nhà có sẵn để lắp đặt và dùng điện mặt trời cho sinh hoạt hằng ngày và sản xuất; khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận để phát triển năng lượng tái tạo, giảm bớt áp lực nguồn cung cho ngành Điện.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện của hộ gia đình, việc lắp tấm pin năng lượng mặt trời lên mái nhà còn giúp căn nhà mát hơn. Đặc biệt, mỗi hộ gia đình sử dụng điện mặt trời mái nhà cũng là góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ĐMTMN nối lưới còn giúp EVN giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc phát triển nguồn điện thay thế...

Khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà để tận dụng tài nguyên sẵn có. 

Tuy nhiên, sau khi giá FIT theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, khuyến khích việc phát triển điện mặt trời, trong đó có ĐMTMN hoàn toàn dừng hẳn, lý do là chưa có giá mua điện mặt trời thay thế Quyết định trên.

Điện mặt trời mái nhà, hay còn gọi là điện mặt trời áp mái là hệ thống lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời lên mái nhà để sản xuất điện năng phục vụ cho hộ gia đình là chủ yếu, phần dư thừa sẽ truyền tải trực tiếp lên lưới điện. Hiện nay, đa phần dự án, nhất là ĐMTMN công suất nhỏ của các hộ gia đình đều dùng bộ biến tần (inverter) hòa lưới, không có bộ lưu trữ điện. ĐMTMN không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện của hộ gia đình, việc lắp tấm pin năng lượng mặt trời áp mái còn giúp mái nhà chống nóng.

Đặc biệt, mỗi hộ gia đình sử dụng ĐMTMN cũng là góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường. Công suất lắp đặt điện mặt trời được tính bằng MWp, hoặc kWp hay gọi là công suất đỉnh, có được khi mặt trời bức xạ (nắng) cao nhất trong ngày.

Chi phí lắp đặt ĐMTMN hòa lưới không lưu trữ điện năng, theo Công ty điện Mặt trời SUNEMIT (báo giá năm 2022) cho thấy: Các hộ gia đình tùy theo nhu cầu sử dụng điện và khả năng tài chính có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời với các quy mô khác nhau.

Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 13/2020/QĐ-TTg thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đã hết hiệu lực vào tháng 6/2019, quy định mức giá mua điện mới áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới đưa vào vận hành thương mại đến hết ngày 31/12/2020. Theo Quyết định 13, giá mua điện mặt trời, trong đó có ĐMTMN ở mức 8,38 cent/kWh.

Đây là cú hích về giá để điện mặt trời phát triển mạnh. Đến thời điểm 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó hơn 100.000 công trình ĐMTMN đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp), tương ứng khoảng 16.500 MW - chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng ĐMTMN là 1,16 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2021 đến nay, điện mặt trời liên tục đối mặt với việc giảm phát, trong đó có ĐMTMN, lý do đơn giản là lúc điện mặt trời phát công suất tối đa, từ khoảng 10 - 14h hàng ngày thì lại rơi vào thời điểm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống điện xuống thấp mà hiện tại chưa có các giải pháp lưu trữ điện năng. Và đương nhiên, những dự án điện mặt trời nối lưới và ĐMTMN đưa vào vận hành sau ngày 31/1/2/2020 thì hiện không được EVN ký hợp đồng mua điện vì chưa có giá mua điện mới sau khi giá FIT theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực.

Việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, bao gồm cả ĐMTMN để bổ sung nguồn năng lượng sạch và giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, do điện mặt trời phát triển quá nhanh, trong khi hạ tầng lưới điện không theo kịp dẫn đến tình trạng quá tải công suất, phải giảm sản lượng huy động. Điều này vừa thiệt thòi cho nhà đầu tư, vừa lãng phí nguồn năng lượng và thực tế nhãn tiền là các nhà đầu tư chân chính và các hộ gia đình đầu tư lắp đặt ĐMTMN đều bị giảm phát công suất lên hệ thống truyền tải hứng chịu tổn thất tài chính cụ thể.

Trước tình hình khó khăn về cung ứng điện, những ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên tiếp có các cuộc họp, chỉ đạo những giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, nhất là đối với miền Bắc.

Tại cuộc họp ngày 3/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung ứng điện, đặc biệt là việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các biện pháp về tiết kiệm điện. Trong đó có yêu cầu Bộ Công Thương, EVN nghiên cứu, hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền trong tháng 6/2023 về các cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai điện mặt trời mái nhà phục vụ mục đích tự sản, tự tiêu (nghiên cứu đối với các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân…), bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.

Ngày 6/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 517/CĐ-TTg với nhiều nội dung chỉ đạo cấp bách nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện; chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện; tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.

Tiếp đó ngày 8/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

Trên thực tế, những tồn tại bất cập trong việc phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn. Cuối tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị Bộ sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới.

Gần đây nhất, sáng 10/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch Điện 8 là phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Tạ Nhị