Từ ngày hôm nay (25/4), ngân hàng SCB áp dụng biểu lãi suất huy động mới (giảm 0,2-0,4 điểm % đối với các kỳ hạn dài). Theo đó, tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tiết kiệm online của ngân hàng chỉ còn 7,65%/năm, so với trước giảm 0,2 điểm %.
Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 13 tháng giảm từ 8,05%/năm xuống 7,75%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 8,25%/năm xuống 7,8%/năm.
Như vậy, lãi suất huy động tại ngân hàng SCB đã xuống dưới 8%/năm. Ngân hàng giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng (ở mức tối đa 5,5%/năm).
Mới đây, VPBank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất tiền gửi mới từ ngày 24/4 (giảm 0,2 điểm % đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên). Theo đó, lãi suất tiền gửi 6 tháng khi gửi online của ngân hàng còn 8%/năm, 12 tháng là 8,2%/năm.
Bắt đầu từ ngày 24/4, tại HDBank lãi suất huy động dành cho các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng giảm 0,2 điểm %. Cụ thể, lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng đã giảm về còn 9% (từ mức 9,2%/năm trước đó). Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng phải gửi theo hình thức trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ tại kỳ hạn 13 tháng.
Tương tự với ACB, từ ngày 24/4, ngân hàng này giảm 0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn. Được biết, lãi suất cao nhất mà ngân hàng niêm yết là 7,75%/năm (áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm online số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên). Đối với số tiền thấp hơn, lãi suất là 7,45 – 7,55 – 7,65%/năm (tương ứng với các mốc tiền gửi 100 triệu – 1 tỷ đồng).
Các ngân hàng hầu hết đã có 2-3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 4 đến nay. Trong khi đó, nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), cùng một số nhà băng khác như Sacombank, Eximbank, MB, TPBank, SHB,…chỉ có một lần thay đổi hồi đầu tháng.
Hiện tại chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi trên 9%/năm đó là ABBank và OCB. Theo đó, ABBank áp dụng mức 9,2%/năm cho khách hàng gửi online kỳ hạn 36 tháng. OCB áp dụng 9,1%/năm cho khách hàng gửi từ 13 tháng trở lên.
Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, với mức cao nhất dành cho hình thức gửi tiền tại quầy là 7,2%/năm. Còn theo hình thức gửi tiền trực tuyến, so với tại quầy lãi suất áp dụng thường cao hơn 0,1 – 0,2 điểm %.
Nguồn ảnh: Internet.
Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, trong năm 2023 lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể sẽ giảm xuống 7,0%.
Theo đó, kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023, bởi 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, trong nửa đầu năm 2023 Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá VND cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa sau năm 2023.
Thứ hai, nhu cầu tín dụng suy yếu bởi các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng ảm đạm. Cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng tín dụng.
Thứ ba, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Về lãi suất cho vay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ bằng VND ở mức 9,6-11,3%/năm trong tháng 3. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN).
Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4 - 5,7%/năm đối với ngắn hạn và 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo Facebook Tạ Ngọc/ DIỄN ĐÀN SỰ THẬT