Bích Ngọc ·
19 tuần trước
 8996

Lãi suất tiết kiệm: Giảm thấp chưa từng có

Lãi suất huy động vẫn tiếp tục giảm nhanh và mạnh. Tại Vietcombank, gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng về mức thấp nhất lịch sử (hiện chỉ nhận lãi suất 2,2%/năm).

Vietcombank trong hơn 1 tháng qua là ngân hàng quốc doanh đi đầu với 4 lần giảm lãi suất huy động, hiện ngân hàng này đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường. Vào ngày 11/12, Vietcombank tiếp tục điều chỉnh giảm kỳ hạn từ 1-11 tháng với 0,2%. Kỳ hạn 1-2 tháng hiện còn 2,2%/năm, với 3-5 tháng còn 2,5%/năm và 6-11 tháng còn 3,5%/năm.

Được biết, nhà băng này vẫn giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 12-24 tháng là 4,8%/năm và đây cũng là mức cao nhất tại nhà băng này.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ngân hàng BIDV cũng thông báo chính thức giảm lãi suất huy động 0,1% các kỳ hạn từ 1-11 tháng từ hôm nay. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,1%/năm, 3-5 tháng còn 3,4%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 4,4%/năm, 12-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.

2 nhà băng còn lại nhóm quốc doanh là Vietinbank, Agribank cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 5,3%/năm.

Tính từ đầu tháng 12, ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh thì có đến hàng chục ngân hàng tư nhân giảm lãi suất tiết kiệm về mức dưới 6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng chẳng hạn: HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank...

Có nhóm ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận mức lãi suất rất thấp. Theo đó, ngân hàng ABBank giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn còn lại xuống mức thấp kỷ lục. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm mạnh 0,5% chỉ còn 3,2%/năm và 3,3%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng cùng giảm 0,4% còn 3,5%/năm.

Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 7 tháng, ABBank điều chỉnh giảm 0,2% (còn 5%/năm), 8 tháng giảm 0,3% (còn 4,9%/năm), 9-11 tháng giảm 0,4% (còn 4,5%/năm).

Có thể thấy, so với đầu năm 2023 thì mặt bằng lãi suất huy động hiện đã giảm một nửa.

Dù lãi suất tiết kiệm giảm kỷ lục thế nhưng lãi suất cho vay ra vẫn còn cao. Nhiều ngân hàng cho vay vẫn duy trì mức trên 10%/năm trung và dài hạn. Theo đó,  một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm là do lãi suất cho vay cao.

Mới đây, tại hội nghị tín dụng với Thủ tướng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, mặc dù triển khai nhiều giải pháp và đã đóng góp tích cực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra. Tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng (tăng 9,15% so với cuối năm 2022), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm.

Tại sao chưa bỏ room tín dụng?

NHNN cũng đã đưa ra những lý do chưa thể hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Bởi, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống NH, đồng thời góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cũng cần được tiếp cận một cách thận trọng, bảo đảm đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cũng nhận định, trong bối cảnh hiện tại vẫn cần phải duy trì công cụ phân bổ tăng trưởng tín dụng bởi nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng NH. Phải đến khi thị trường vốn, tài chính phát triển, chia sẻ với vốn tín dụng mới có thể tính tới bỏ room tín dụng. Trong tương lai, thị trường vốn phát triển, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ xuống dưới 10%, không còn 13%-15% như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng room tín dụng là một công cụ cần thiết để NHNN giám sát mức cung tiền ra thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại. Nếu không, một vài NH thương mại có thể cho vay vượt hạn mức đối với một số khách hàng, rồi sẵn sàng huy động vốn với lãi suất cao để có nguồn cho vay. 

Điều này gây ra những hệ lụy và rủi ro lớn cho cả hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Chính vì thế, việc giữ room tín dụng trong chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là cần thiết. 

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7173366989389662/?