Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của công dân Nguyễn Hồng Anh (ở Hà Nội) phản ánh việc nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) có hành vi tư vấn sai lệch, với mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho người có đơn tố cáo.
Tin nhắn của nhân viên ngân hàng gửi chị Hồng Anh. Nguồn ảnh:Internet.
Bộ Tài Chính đã chuyển đơn của công dân đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an sau khi tiếp nhận đơn của chị Hồng Anh để được xem xét, giải quyết.
Theo chị Nguyễn Hồng Anh (Hà Đông, Hà Nội), giữa tháng 10/2021, chị được bà Hạnh - nhân viên của Phòng giao dịch Tây Hà Nội Ngân hàng TPBank, ở 535 Kim Mã, quận Ba Đình, gửi tin nhắn thông báo giới thiệu bên ngân hàng có chương trình “tiết kiệm lãi suất tốt”.
Sau đó, chị Hồng Anh tới gặp nhân viên của TPBank ký hợp đồng chuyển 100 triệu đồng. Giữa tháng 9/2022, khi gặp trục trặc trong việc gửi tiền, chị Hồng Anh mở lại hợp đồng cũ tìm hiểu thì mới được biết đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Chị Hồng Anh cho biết, chị không được nhân viên ngân hàng thông tin đây là bảo hiểm nhân thọ trong quá trình ký hợp đồng cũng không được tư vấn nếu năm 2 không đóng tiếp sẽ bị mất toàn bộ số tiền của năm trước.
Đại diện Ngân hàng TPBank cho biết, ngân hàng đã cùng đối tác là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, phối hợp rà soát lại toàn bộ. Sẽ thực hiện phản hồi ý kiến của khách hàng theo đúng quy định về bán sản phẩm, quy định của pháp luật.
Cũng theo đại diện TPBank, trong buổi làm việc với Sun Life Việt Nam, về các chữ ký trên Biên nhận bàn giao hợp đồng và thư xác nhận yêu cầu bảo hiểm qua ứng dụng điện tử chị chị Hồng Anh có xác nhận là do chị thực hiện.
Bên cạnh đó, đại diện TPBank cho hay, TPBank và Sun Life Việt Nam đã thuyết phục khách hàng tiếp tục cung cấp thêm các dữ liệu nhằm làm rõ, giải quyết tới cùng về quá trình ký kết hợp đồng. Thế nhưng, khách hàng không hợp tác, không gặp gỡ xử lý và nhờ luật sư đại diện và có đơn chuyển cơ quan chức năng kiểm tra.
Ngoài ra, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng chuyển đơn tố giác của người dân về việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife tới cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.
Bảo hiểm kết hợp đầu tư là thế nào? Được biết, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được nhà bảo hiểm quảng cáo là có ý nghĩa bảo vệ rủi ro và có thêm quyền lợi đầu tư sinh lời. Trên thực tế, trước khi được phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư khoản phí bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ rất nhiều chi phí. Trong đó, nhà bảo hiểm sẽ thu "khoản phí ban đầu" tương ứng 65% và 50% phí bảo hiểm cơ bản trong hai năm đầu và khoản này không được hoàn lại. Sau khi trừ đi các loại chi phí, khách hàng phải chấp nhận gần như "mất trắng" phí bảo hiểm cơ bản đóng trong năm đầu. Khoản phí bảo hiểm cơ bản hằng năm sau khi trừ các chi phí ban đầu và chi phí rủi ro, mới được bỏ vào các quỹ liên kết đầu tư tương ứng mức độ rủi ro khác nhau (hoặc đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền gửi). Đối với bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị, khách hàng chịu toàn bộ rủi ro đầu tư (tùy thuộc vào biến động thị trường và hiệu quả của danh mục). Hiện tại phần đầu tư liên quan đến quỹ đầu tư cổ phiếu có thể lỗ lên tới vài chục phần trăm hoặc mất trắng do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi. |