Ngọc Lan ·
36 tuần trước
 9868

Lãi tiết kiệm ngân hàng vẫn tiếp tục "lao dốc"

Bước sang tháng 3, thị trường lãi suất chưa có dấu hiệu dừng giảm khi lần lượt các ngân hàng từ các ngân hàng nhà nước đến các ngân hàng thương mại vẫn liên tiếp hạ lãi suất.

Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất

Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/3/2024 tiếp tục có thêm ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động. Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) vừa trở thành ngân hàng tiếp theo giảm lãi suất huy động trong tháng 3, mức giảm đồng loạt 0,2 điểm phần trăm tại tất cả các kỳ hạn.

Theo Biểu lãi suất huy động vừa được Dong A Bank công bố, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-5 tháng còn 3,3%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng còn 4,3%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng còn 4,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 4,8%/năm.

Dong A Bank vẫn duy trì lãi suất một số kỳ hạn trên mức 5%/năm, dù vừa hạ lãi suất. Lãi suất ngân hàng cao nhất thuộc về kỳ hạn 13 tháng, lên đến 5,1%/năm. Các kỳ hạn 18-36 tháng có lãi suất mới là 5%/năm.

Tuy nhiên, Dong A Bank vẫn giữ nguyên mức “lãi suất đặc biệt” 7,5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với số tiền gửi từ 200 tỷ đồng.

Tương tự, ACB mới đây cũng công bố biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ đầu tháng 3 với mức giảm 0,1-0,4 điểm % tại hầu hết kỳ hạn. Lần gần nhất nhà băng này giảm lãi suất huy động cũng diễn ra hồi tháng 2 trước đó không lâu.

Lãi ngân hàng vẫn tiếp tục lao dốc.

Cụ thể, trên kênh online, các khoản tiền dưới 200 triệu đồng hiện được ACB áp dụng mức lãi suất 2,5%/năm cho kỳ hạn gửi 1 tháng; 2,6% nếu gửi 2 tháng; 2,8%/năm cho kỳ hạn 3 tháng. Ở các kỳ hạn dài hơn, mức lãi suất lần lượt là 3,7%/năm; 3,9%/năm và 4,8%/năm với các kỳ hạn 6 tháng; 9 tháng và 12 tháng.

Từ biểu lãi suất này, ACB áp dụng nâng thêm 0,1 điểm % đối với các khoản tiền gửi mở mới giá trị lớn hơn, tức từ 200 triệu đồng trở lên.

Trước đó, ngày 6/3, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng PVcomBank cũng được điều chỉnh giảm. Theo bảng lãi suất tiền gửi online của PVcomBank, các kỳ hạn đều giảm 0,1-0,5 điểm %. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng hiện giữ ở mức 2,85%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 giảm 0,1 điểm % còn 4,3%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng giảm 0,1 điểm %, từ 5,2%/năm xuống còn 5,1%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cao nhất của ngân hàng này.

Lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng VPBank cũng chính thức điều chỉnh giảm vào ngày 5/3. Cụ thể, ngân hàng này giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất với các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng. 

Theo đó, lãi suất gửi tiết kiệm online thấp nhất 1 tháng hiện chỉ còn 2,3%/năm và tại kỳ hạn 12-18 tháng là 4,3%/năm. Ngân hàng này giữ nguyên mức lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 24-36 tháng ở mức 4,7%/năm. Trước đó vào cuối tháng 2/2024, lãi suất tiết kiệm mới nhất tại VPBank cũng điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm tại các kỳ hạn.

Mức lãi suất huy động đã gần chạm “đáy”

Việc một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất ở kỳ hạn ngắn cùng với lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh cho thấy nhu cầu vốn là có nhưng chỉ là ngắn hạn, cục bộ ở một số ngân hàng. Tuy nhiên, WiGroup cho rằng không loại trừ khả năng đây là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm “đáy”.

“Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, bất động sản vẫn còn nhiều bất ổn thì tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh lựa chọn ưu tiên của người có tiền nhàn rỗi. Chi phí huy động vốn thấp và tăng trưởng tín dụng thấp giúp các ngân hàng có nhiều room cho việc duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế”, báo cáo của WiGroup nhận định.

Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh đột biến trong tháng 12/2023 đã khiến mức tăng trưởng tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,6% so với tháng trước và vẫn chưa cải thiện đến giữa tháng 2. Báo cáo cho rằng, sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, do nhu cầu vay từ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước vẫn yếu, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong quý I sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về tỷ giá trong tháng 2 đã ghi nhận những áp lực đáng kể. Tỷ giá ở thị trường tự do đã tăng 1,72% trong tháng, vượt mức tỷ giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, tỷ giá ở các ngân hàng thương mại cũng tăng 0,9% so với tháng 1 liền kề.

Những áp lực tỷ giá, theo đánh giá của WiGroup, là vẫn còn, đến từ các yếu tố như: chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền tệ chủ chốt) có triển vọng tăng giá ngắn hạn do những dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố và sự ổn định của lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm, và triển vọng kinh tế Mỹ chưa thực sự rõ ràng. Dù vậy, áp lực tỷ giá có thể được kiểm soát bởi dòng vốn FDI tích cực, kiều hối dồi dào, và cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2024 duy trì ổn định.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 18 ngày 5/3 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.

Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.