Những trường hợp nào có thể mất tiền khi gửi tiết kiệm ngân hàng?
Khi ngân hàng phá sản
Đầu tiên, rủi ro khi gửi tiết kiệm ngân hàng có thể đến từ việc ngân hàng bị phá sản. Theo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017:
Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản. Có thể nói, nếu hoạt động không hiệu quả ngân hàng hoàn toàn có thể bị phá sản.
Tuy vậy, theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, các nhà băng được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (trừ ngân hàng chính sách).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi tối đa là 75 triệu đồng).
Tuy nhiên, thực tế thì tỷ lệ rủi ro này là rất thấp vì ngân hàng nếu không hoạt động hiệu quả sẽ được thực hiện nhiều phương án (phục hồi, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, giải thể, chuyển giao bắt buộc). Nếu vẫn không hiệu quả thì thực hiện phương án cuối cùng là phá sản.
Mất tiền do gửi tiền bên ngoài ngân hàng
Một rủi ro nữa có thể xảy ra là khi một số khách hàng yêu cầu được nhận tiền gửi và mở sổ tiết kiệm không phải ở ngân hàng. Những người này thường là khách VIP nên ngân hàng hỗ trợ làm thủ tục tại nhà. Cùng với đó, bản thân họ cũng có mối quan hệ thân thiết và cũng đã giao dịch nhiều lần đối với nhân viên ngân hàng. Từ kẽ hở này, khách hàng có thể sẽ trở thành nạn nhân bởi lòng tham của chính nhân viên ngân hàng đó.
Bên cạnh đó, việc khách hàng cho nhân viên ngân hàng nợ sổ, nợ chứng từ hay là nhờ nhân viên ngân hàng giữ giúp sổ cũng khiến cho số tiền gặp rủi ro.
Rủi ro do ký sẵn chứng từ, giấy tờ quan trọng
Đó là khi khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ giao dịch trắng hoặc không rõ nội dung vì không muốn mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền mặt…Khi đó, những đối tượng xấu sẽ dễ dàng dùng chứng từ ký khống này để trực tiếp rút tiền từ tài khoản khách hàng mà không gặp phải khó khăn nào.
Mất tiền gửi online khi vướng phải vấn đề bảo mật thông tin
Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều cung cấp dịch vụ gửi tiền tiết kiệm online. Nhiều người ưa chuộng hình thức này vì có thể tiết kiệm thời gian đi lại và không cần quản lý sổ tiết kiệm giấy.
Tuy vậy, khách hàng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao do click vào các trang không an toàn, trang rác có cài virus hay nhấp vào link không rõ nguồn, tải về các ứng dụng không an toàn, tài liệu có chứa mã độc…
Bên cạnh đó, việc mất điện thoại hoặc công khai quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng cũng có thể trở thành nguyên nhân mất tiền trong ngân hàng.
Vậy gửi tiết kiệm ngân hàng mất tiền có lấy lại được không?
Trường hợp ngân hàng phá sản thì người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà sẽ chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, khi các nhà băng nhận tiền gửi của cá nhân thì phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách. Căn cứ tại Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một nhà băng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Có thể thấy, khi ngân hàng phá sản thì người gửi tiết kiệm sẽ được bảo hiểm chi trả số tiền tối đa là 125 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người gửi cũng sẽ có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản theo quy định của pháp luật.
Với những trường hợp còn lại, chưa có căn cứ pháp lý cụ thể để buộc ngân hàng bồi thường cho khách hàng.Vì vậy, để có thể tìm lại số tiền bị mất của mình lúc này khách hàng thường phải "cầu cứu" cơ quan công an.
Pháp luật đã có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy vậy, để giảm thiểu rủi ro khi gửi tiền tại ngân hàng, người gửi tiết kiệm cần kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi và cũng không ký sẵn chứng từ trống. Sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng để chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng nên người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6781106775282354/?