Bích Ngọc ·
35 tuần trước
 8874

Làm ăn lỗ nặng, một doanh nghiệp phát hành 165 tỷ đồng trái phiếu lấy tiền để trả nợ

Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings có tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 khá ảm đạm khi doanh thu vỏn vẹn gần 17 tỷ đồng. Dù vậy, tập đoàn này vẫn lên kế hoạch phát hành lô trái phiếu 'khủng'..

Nhìn vào BCTC hợp nhất giữa niên độ đã soát xét của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings có thể thấy, doanh nghiệp có doanh thu thuần chỉ đạt gần 17 tỷ đồng, lợi nhuận kinh doanh trong kỳ báo cáo ghi nhận khoản lỗ 44,6 tỷ đồng.

Theo giải trình của doanh nghiệp này gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 29/8/2023, lý do dẫn đến tình hình kinh doanh ảm đạm là bởi doanh thu giảm mạnh 78,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng cao, chi phí lãi vay là 33,9 tỷ đồng, lỗ từ trái phiếu, hoán đổi trái phiếu là 29,8 tỷ đồng, chi phí phát hành trái phiếu là 3,5 tỷ đồng.

An Phát Holdings hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tính tới ngày 30/6/2023, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này ghi nhận là 89 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn 530 tỷ đồng, hệ số thanh toán nhanh đang ở mức rất thấp (chỉ 0,17). Vòng quay vốn lưu động nhỏ hơn 1, được hiểu là chu kỳ vòng quay của vốn lưu động kéo dài trên 365 ngày, cùng với đó các khoản phải thu gấp 3,32 lần doanh thu 6 tháng đầu năm 2023.

Được biết, HĐQT tập đoàn An Phát Holdings đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với số lượng tối đa 1.650 trái phiếu có tổng mệnh giá 165 tỷ đồng.

Mục đích phát hành trái phiếu là thực hiện tất toán trước hạn các hợp đồng vay với Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng công nghệ cao An Cường ngày 31/3/2023 (số tiền 36 tỷ đồng); Hợp đồng vay với Công ty cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát ngày 03/4/2023 (số tiền 28 tỷ đồng); 2 Hợp đồng vay với Công ty cổ phần Liên vận An Tín (tổng số tiền 19,2 tỷ đồng); Hợp đồng vay Công ty TNHH An Trung Industries (20 tỷ đồng); Hợp đồng vay Công ty cổ phần Nhựa Bao Bì An Vinh (25 tỷ đồng); Hợp đồng vay Công ty cổ phần An Thành Bicsol (số tiền 35 tỷ đồng).

Những hợp đồng này đều là hợp đồng vay tiền mặt được ký với chính các công ty con chi phối bởi Tập đoàn An Phát Holdings.

Nỗi lo của trái chủ

Chắc hẳn trái chủ - 'chủ nợ' không khỏi lo lắng khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu - 'con nợ' làm ăn bết bát, thua lỗ. 

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên, theo ông Nguyễn Bá Khương - thuộc đội ngũ phân tích của Chứng khoán VNDirect, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi bền vững cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo đó, các doanh nghiệp cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, có biện pháp xử lý hàng tồn kho với mục đích thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền. Đồng thời, Cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khi rủi ro xấu xảy ra, doanh nghiệp buộc phải thanh lý tài sản để trả tiền cho trái chủ, chính vì vậy, trái chủ nên chọn trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản (thay vì bằng cổ phiếu với tính rủi ro cao).

Tuy vậy, cần lưu ý rằng tài sản đảm bảo chỉ là một phần, điều quan trọng nhất là thiện chí trả tiền. Có trường hợp "con nợ" dây dưa không muốn trả.

Cũng theo TS Huân,  cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, tránh để tình trạng phát hành trái phiếu quá dễ dãi diễn ra, gây rủi ro lên hệ thống. Bên cạnh đó, người mua trái phiếu cũng cần cẩn trọng, chỉ mua khi đã đủ am hiểu và đặc biệt không đặt niềm tin tuyệt đối vào nơi bán.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6834776266582071/?