Bích Ngọc ·
1 năm trước
 10249

Phó Chủ tịch SSC: Tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với trái phiếu phát hành ra

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự trầm lắng trong tháng 7, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thông báo chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Nhiều báo cáo cho thấy, giai đoạn sắp tới sẽ căng thẳng khi lượng trái phiếu đến hạn lớn.

Trên thị trường vốn, số doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn. Theo đó, Công ty cổ phần Signo Land đã “khất” thanh toán lô trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, nguyên nhân được đưa ra là công ty đang trong quá trình đàm phán cùng người sở hữu trái phiếu. 

Với lý do "thị trường không thuận lợi", Công ty TNHH Saigon Glory - công ty con của Tập đoàn Bitexco cũng mới chỉ trả được số tiền lãi gần 29 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng gốc phải "khất". 

Còn Novaland đã phải gia hạn thanh toán nhiều lô trái phiếu giá trị lớn do chưa thu xếp được nguồn thanh toán. Đến 30/6/2023, tổng nợ trái phiếu ngắn và dài hạn của Novaland lên đến 43.100 tỷ đồng.

Theo SSI Research, sau sự cố Vạn Thịnh Phát vào cuối năm 2022 thì hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn diễn ra khá mạnh mẽ thế nhưng đã chậm lại kể từ khi Nghị định 08 được ban hành.

Trong quý 2 năm 2023, hoạt động mua lại trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đã giảm xuống còn 24,7 nghìn tỷ đồng (từ mức cao nhất là 34,8 nghìn tỷ đồng trong Quý 4 năm 2022). Ngược lại thì hiện các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng lựa chọn phương án hoãn thanh toán trả lãi hoặc trả nợ gốc.

Tính đến ngày 13/7, giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp khoảng 44.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Nghị định 08/2023 về trái phiếu phát hành riêng lẻ đã tạo ra hành lang pháp lý để tổ chức phát hành có thể hoãn trái phiếu hiện tại lên tới hai năm hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác.

Về tình trạng chậm thanh toán, theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với trái phiếu phát hành ra.

Phó Chủ tịch SSC cho biết, thị trường trái phiếu cần được phát triển bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng, tuy nhiên phải đảm bảo tính minh bạch, công khai. Để thị trường ngày càng phát triển, phía cơ quan quản lý cũng phải tăng cường khâu giám sát, còn các nhà đầu tư cần xem xét, cân nhắc các rủi ro khi giao dịch…

Để khai thông cầu cho thị trường này, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup – Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, có thể sửa đổi các quy định hiện hành để các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. 

Theo đó, các công ty bảo hiểm hiện không được tham gia đầu tư vào các trái phiếu được phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ. Tuy vậy trên thực tế quá trình xếp hạng tín nhiệm cho thấy một số doanh nghiệp chủ động phát hành trái phiếu mới với mục đích tái cơ cấu nợ nhằm tối ưu về lãi suất.

Theo ông Thuân, môi trường lãi suất đã thay đổi, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã cải thiện, họ phát hành để có lãi suất thấp hơn những lô trái phiếu trước kia chứ không phải do họ gặp khó khăn về tài chính nên phải tái cơ cấu nợ. Cũng tương tự như việc các ngân hàng thương mại gần đây phát hành trái phiếu mới nhưng cũng mua lại trái phiếu cũ. Hay như việc Chính phủ vẫn huy động trái phiếu để trả nợ cũ.

Về dài hạn, theo Chủ tịch FiinGroup, các hạ tầng liên quan cần được phát triển để tạo cầu cho trái phiếu doanh nghiệp và thu hút các định chế đầu tư nước ngoài tham gia. Theo đó, cần có thêm đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập và đơn vị cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu. Việc hình thành các đơn vị có chức năng và chuyên môn cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6689170744475958/?