Bích Ngọc ·
1 năm trước
 9089

Lãnh đạo Sacombank thôi việc khi ngân hàng đối mặt rủi ro tín dụng

Mới đây, Sacombank đã chấm dứt hợp đồng với Phó Tổng Giám đốc trong khi ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng trong trường hợp Bamboo Airways thất bại trong việc tái cơ cấu.

Cụ thể, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã chứng khoán STB) đã có quyết định thôi nhiệm và chấm dứt Hợp đồng lao động với ông Võ Anh Nhuệ - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Hành chính kể từ ngày 15/9/2023. Nguyên nhân thôi nhiệm là do nguyện vọng cá nhân của ông Nhuệ.

Cùng với đó, từ ngày 18/9/2023 Sacombank cũng có quyết định thôi kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Khối Tài chính đối với ông Hà Văn Trung. Ông Trung vẫn tiếp tục làm Phó Tổng Giám đốc ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ngân hàng này trước đó cũng ra thông báo thôi kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Lào (nhiệm kỳ 2022-2025) đối với ông Võ Anh Nhuệ (kể từ ngày 3/7/2023). Bà Nguyễn Thị Thanh là người thay thế cho vị trí này, hiện bà là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sacombank Cambodia.

Được biết, ông Nhuệ đã có khoảng thời gian 19 năm gắn bó với Sacombank (tính từ ngày 14/6/2004 đến ngày 14/9/2023). Ông Nhuệ trước đây từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc khu vực Tây Nam Bộ.

Sacombank với áp lực nợ xấu cao

Nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2023 của Sacombank có thể thấy, tại thời điểm 30/6/2023 dư nợ quá hạn của ngân hàng này tăng 41,6% so với quý trước (ước khoảng 13,5 nghìn tỷ đồng). Trong đó, nợ xấu và các khoản nợ Nhóm 2 lần lượt tăng 54%, lên mức 8,2 nghìn tỷ đồng và 26% so với quý trước, lên mức 5,3 nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng là do hoạt động sản xuất, kinh doanh và hộ kinh doanh kém khả quan. Được biết, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 0,65%, có thể thấy đây là mức cao nhất trong 3 năm qua, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức 77% trong quý II/2023 (so với 103,8% trong quý I/2023).

Tổng dư nợ tái cơ cấu, theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ở mức dưới 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,22% tổng tín dụng) trong quý II/2023.

Theo SSI Research, nếu chất lượng tài sản tiếp tục xấu đi, trong nửa cuối năm 2023 số dư nợ tái cơ cấu sẽ tăng lên. Thời điểm cuối quý II/2023, dư nợ cho vay của nhà băng này đối với Bamboo Airways (BAV) là 3 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,7% tổng tín dụng). Dù đây là khoản vay có tài sản bảo đảm và BAV vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn thế nhưng vẫn có một số lo ngại về BAV.

Cụ thể, Công ty này ghi nhận khoản lỗ lũy kế là 17,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 so với khoản lỗ 2,3 nghìn tỷ đồng năm 2021. Bên cạnh đó, tổng tài sản cuối năm 2022 giảm mạnh 33% so với đầu năm (xuống còn 18 nghìn tỷ đồng), trong khi vốn chủ sở hữu là - 836 tỷ đồng mặc dù vốn góp là 18,5 nghìn tỷ đồng. Vào ngày 19/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tái cơ cấu BAV. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ hỗ trợ BAV thu xếp vốn bằng cách tạo điều kiện cho một ngân hàng phù hợp tham gia với tư cách cổ đông.

Theo đánh giá của SSI Research, đây là trường hợp phức tạp và có tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với Sacombank nếu BAV tái cơ cấu không thành công. Hiện ngân hàng  này vẫn còn 590 triệu cổ phần đang bị phong tỏa trong trái phiếu VAMC.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ngân hàng này cũng cho biết sẽ cố gắng trích lập 100% giá trị trái phiếu VAMC trong năm nay.

Với số dư nợ VAMC chưa trích lập hiện tại khoảng 4.400 tỷ đồng cùng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá thấp là 77,1%, theo KBSV, Sacombank sẽ tối thiểu trích lập thêm trên 5,000 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay để có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6853367454722952/?