Bích Ngọc ·
1 năm trước
 6776

LienVietPostBank (LPB): Lãnh đạo và loạt người nhà đăng ký bán cổ phiếu

Mới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) vừa thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.

Trong đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank đăng ký bán 20.000 cổ phiếu LPB theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, theo dự kiến thực hiện từ ngày 17/2 đến 15/3/2023. Mục đích thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân. Ông Tùng hiện nắm giữ 130.891 cổ phiếu, sau giao dịch dự kiến sẽ giảm xuống 110.891 cổ phiếu.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - chị gái của Phó TGĐ Nguyễn Quốc Thành cũng đăng ký bán toàn bộ 286.798 cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 23/2-24/3/2023. Được biết, nếu giao dịch thành công, bà Ngọc Bích sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào tại ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Bà Trần Thị Hoài Thương - em dâu ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank vào ngày 17/2 cũng đăng ký bán toàn bộ số cổ phần sở hữu tại ngân hàng là 13.920 đơn vị, tương đương tỷ lệ 0,0008%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 22/2-22/3/2023 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Cùng với đó, Ông Nguyễn Đức Ứng, anh rể của bà Nguyễn Thị Gấm – Phó TGĐ cũng đăng ký bán 80.000 cổ phiếu LPB từ ngày 25/2-14/3/2023 vì lý do tài chính cá nhân. Ông Nguyễn Đức Ứng chỉ còn sở hữu 8.060 cổ phiếu LPB sau giao dịch.

Bà Dương Tuyết Lan, em gái bà Dương Hoài Liên - thành viên độc lập HĐQT ngân hàng cũng đăng ký bán 187.829 cổ phiếu LPB, tương đương 0,01% vốn điều lệ ngân hàng theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Với mục đích thực hiện giao dịch là nhu cầu cá nhân. Bà Liên sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu nào tại ngân hàng nếu giao dịch thực hiện thành công. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ 7/2 đến 6/3.

Ngoài ra, ông Vũ Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank cũng đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu LPB tương đương 0,006% vốn điều lệ ngân hàng theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Theo dự kiến sau giao dịch, số lượng cổ phiếu nắm giữ của ông Khánh còn 991.853 đơn vị, tương đương 0,057% vốn điều lệ ngân hàng. Mục đích thực hiện giao dịch cũng là nhu cầu cá nhân. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ 7/2 đến 6/3.

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022 LienVietPostBank (LPB) báo lãi tăng 56%.

Cụ thể, luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 5.689 tỷ đồng, so với năm 2021 tăng 56%.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank quý 4/2022 đạt 867 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 4.510 tỷ đồng, so với năm 2021 tăng 57%.

Trong quý cuối cùng của năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng trưởng chậm lại rõ rệt so với những quý trước, ghi nhận ở mức 2.771 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 0,6%. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan khi bị lỗ gần 15 tỷ. Ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng ấn tượng 183% lên 882 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động quý 4 của LienVietPostBank so với cùng kỳ  giảm 14,6% (xuống 1.506 tỷ đồng). Chi phí dự phòng tăng gấp 3 lần (lên 1.306 tỷ đồng). Trong đó, việc tăng mạnh trích lập dự phòng cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng lợi nhuận bị thu hẹp.

Nhìn chung, các mảng kinh doanh của ngân hàng phần lớn đều tăng trưởng khả quan, đặc biệt là nguồn thu cốt lõi (thu nhập lãi thuần) và nguồn thu từ dịch vụ. Không những vậy, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động) của ngân hàng được cải thiện đáng kể, giảm từ 50,6% xuống 37,4%.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 327.745 tỷ đồng, so với cuối năm 2021 tăng 13,3%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,7% (lên 235.506 tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng tăng 19,8% (lên 215.888 tỷ đồng). Riêng trong quý 4, tiền gửi của khách hàng ghi nhận mức tăng tới 11,5%.

Đáng chú ý, theo bảng cân đối kế toán của LienVietPostBank, số dư nợ xấu của ngân hàng so với đầu năm tăng 19,7% (từ 2.863 tỷ đồng lên 3.427 tỷ đồng), chiếm 1,46% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh gấp 2,3 lần (lên 1.070 tỷ đồng), từ đó khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,39% lên 1,49%.

Trong những năm qua, cơ cấu tín dụng và nguồn thu dịch vụ của ngân hàng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, dòng vốn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. LienVietPostbank không có số dư trái phiếu doanh nghiệp từ cuối tháng 6/2022. Ngân hàng chủ yếu nắm giữ trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng.