Tính đến cuối tháng 6/2023, theo thống kê từ báo cáo tài chính 27 nhà băng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ hơn 200.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng nắm nhiều nhất hệ thống vẫn là MB, những vị trí tiếp theo thuộc về Techcombank, VPBank, TPBank, SHB.
MB ghi nhận 40.428 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẵn sàng để bán, so với cuối năm trước giảm hơn 3.100 tỷ đồng. Đây là trái phiếu có kỳ hạn từ 3 đến 15 năm và có lãi suất từ 7,3% đến 13,8%/năm.
Còn theo FiinRatings, tính đến thời điểm cuối quý II/2023, quy mô trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm các trái phiếu do ngân hàng phát hành) được nắm giữ bởi 31 ngân hàng vào khoảng 203.000 tỷ đồng (8,5 tỷ USD), đã giảm khoảng 33.000 tỷ đồng (gần 1,4 tỷ USD) so với thời điểm cuối năm 2022.
Nói về độ rủi ro của số trái phiếu trên, theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích công ty chứng khoán Yuanta, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng phần lớn trong lượng trái phiếu các ngân hàng thương mại đang nắm giữ. Trái phiếu của riêng nhóm này về cơ bản có độ rủi ro, tuy nhiên các ngân hàng đều có tài sản đảm bảo cho số trái phiếu này và mỗi đơn vị đều có góc độ đánh giá chất lượng tài sản của riêng mình. Do đó, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tài sản các nhà băng hiện nay vẫn chưa gây ra áp lực rủi ro cho toàn bộ hệ thống.
Tuy vậy, việc đánh giá rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào khả năng hồi phục của nền kinh tế trong năm 2024, khi năm 2023, đà phục hồi của các nền kinh tế phát triển bị giảm tốc đã ảnh hưởng đến nước ta, làm tình hình kinh tế của chúng ta cũng rất khó khăn. Vì thế, hiện tượng trễ thanh toán trái phiếu và lãi vay đã xảy ra hàng loạt tại các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản trong thời gian vừa rồi. Hiện tượng này còn kéo nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ tăng lên.
Theo ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings của Tập đoàn FiinGroup, với các ngân hàng nắm giữ các trái phiếu hay cho vay các doanh nghiệp bất động sản có năng lực tín dụng ở mức trung bình hoặc yếu kém, khả năng ảnh hưởng dây chuyền đến các khoản nợ vay, trái phiếu do ngân hàng nắm giữ của các doanh nghiệp này là có và mang tính hiện hữu.
Bên cạnh đó, trường hợp có xảy ra các sự kiện vi phạm được quy định trong giao ước giữa tổ chức phát hành và tổ chức cho vay, chẳng hạn việc tổ chức phát hành chậm trả các khoản nợ khác, điều khoản cross-default (vỡ nợ chéo) lúc này có thể được áp dụng và cho phép tổ chức cho vay thu hồi sớm các khoản nợ vay để bảo toàn lợi ích của tổ chức cho vay..
Thị trường trái phiếu sẽ trở lại vào đầu năm 2024
Ông Nguyễn Thế Minh cho biết, có nhiều dự báo về bức tranh nền kinh tế năm 2024 sẽ dần hồi phục, nếu vậy, có thể những áp lực, rủi ro trong tình hình trái phiếu hiện nay của các doanh nghiệp sẽ được “cởi trói” bớt.
Lượng trái phiếu chiếm phần lớn trong quy mô trái phiếu của của các ngân hàng thương mại đang đầu tư là bất động sản, mà hiện Chính phủ đang có hai phương án “gỡ rối” cho nhóm bất động sản như giải quyết tính pháp lý của thị trường này hay gỡ ách tắc dòng vốn tín dụng để bơm thanh khoản vào hệ thống.
Nhờ lãi suất cho vay đang giảm, thanh khoản có thể cải thiện, phát hành trái phiếu thuận lợi hơn khi gỡ rối được Nghị định 08 và việc vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa rồi.
Cuối năm ngoái, Nghị định 08 cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu đã phần nào xử lý được vấn đề chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu. Tuy vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng, đây chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để giải bài toán mất thanh khoản sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong thời gian tới.
Theo ông Minh nhận định, vào đầu năm 2024 thị trường trái phiếu sẽ trở lại với điều kiện bối cảnh kinh tế phải có sự chuyển biến tích cực. Tín hiệu khá là tốt gần đây là các đợt phát hành đang bắt đầu trở lại bởi lãi suất ngân hàng đang giảm, các nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào cổ phiếu, trái phiếu. Lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm rất nhiều.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6741484209244611/?