Thanh Tâm ·
26 tuần trước
 9112

Liệu có xảy ra việc đấu giá rồi bỏ cọc tại 3 mỏ cát ở Hà Nội?

Trả giá đấu giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc, "bỏ của chạy lấy người" là thực tế đã tạo tiền lệ xấu cho các cuộc đấu giá tài sản nói chung và đấu giá cát nói riêng.

Những ngày gần đây, dư luận đang hồi hộp theo dõi xem liệu một kịch bản tương tự có xảy ra đối với 3 mỏ cát vừa trúng đấu giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội.

Sở TN-MT Hà Nội tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 3 mỏ cát: Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì), Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá từ 9 giờ ngày 5 đến gần 6 giờ sáng 6/11.

Tổng số tiền giá khởi điểm chưa đến 24 tỉ đồng nhưng nhà đầu tư trúng đấu giá của 3 mỏ cát này là khoảng 1.684 tỉ đồng, đặt cọc khoảng 3,5 tỉ đồng. Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho biết "quá bất ngờ" về kết quả đấu giá. Nhiều người cho rằng có bất thường vì các doanh nghiệp trả giá quá cao so giá khởi điểm.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VAMB), cho rằng thị trường bất động sản, thị trường xây dựng "đóng băng", nhu cầu vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh nhưng đấu giá 3 mỏ cát lại đẩy giá lên cao như vậy là bất thường nên đề nghị cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ quá trình khảo sát, làm hồ sơ, tổ chức đấu giá... Đặc biệt, chú trọng công tác khảo sát đánh giá trữ lượng các mỏ cát xem có đúng khối lượng đưa ra đấu giá hay nhiều hơn.

Dư luận đặt vấn đề liệu các doanh nghiệp có trả đấu giá cao bất thường rồi bỏ cọc?

Ảnh minh họa.

Hai giả thiết được đặt ra

Giả thiết đầu tiên là trữ lượng các mỏ được đánh giá không sát thực tế. Với đặc điểm nằm bên dưới lòng sông, việc đo đạc, đánh giá, ước tính trữ lượng cát không phải dễ dàng. Chỉ cần tác động nhỏ, dù chủ quan hay khách quan, con số có thể thay đổi nhanh chóng. Nếu giả thiết này xảy ra, nhà nước sẽ bị thất thoát nguồn khoáng sản.

Giả thiết tiếp theo là đấu giá ảo rồi bỏ cọc. Sẽ phải chờ đợi thêm diễn biến sự việc mới có thể kết luận nhưng thật khó để không nghi ngờ, vì kết quả khảo sát cho thấy giá cát làm vật liệu xây dựng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận chỉ trên dưới 100.000 đồng/m3, đã bao gồm chi phí vận chuyển đến chân công trình. Trong khi đó, giá trung bình mỗi mét khối cát còn nằm tại 3 mỏ vừa đấu giá thành công cao nhất tới 800.000 đồng/m3, thậm chí chưa bao gồm chi phí khai thác và vận chuyển.

Tiền lệ trả giá vô tội vạ rồi "hủy kèo" từng xảy ra với 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), hoặc mỏ cát ở xã Bình Phước Xuân (H.Chợ Mới, An Giang), hay mới đây nhất là các cuộc đấu giá biển số ô tô.

Hệ quả từ hành vi này không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền bạc để tổ chức đấu giá; lấy mất cơ hội của người thực sự có nhu cầu đấu giá; mà lớn hơn là tác động tiêu cực đến thị trường, trong đó tiềm ẩn khả năng "thổi giá" các mặt hàng được đưa ra đấu giá.

Cho dù giả thiết nào xảy ra thì cũng cần phải ngăn chặn, và người có khả năng ngăn chặn chính là các cơ quan quản lý nhà nước. Mới đây, khi Quốc hội thảo luận về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi, các đại biểu đã gợi mở hai vấn đề được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động đấu giá tài sản trở nên minh bạch, lành mạnh hơn.

Thứ nhất là phải xây dựng những nguyên tắc chung trong việc xác định giá khởi điểm, sao cho sát với giá thị trường; từ đó ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là người có (hoặc đại diện sở hữu) tài sản. Thứ hai là quy định chế tài đủ sức răn đe đối với hành vi trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính, bao gồm việc nghiên cứu phạt 50% giá trị tài sản theo mức trúng đấu giá.

Nếu cả hai giải pháp nêu trên đồng thời được thực hiện tốt, không chỉ với đất, cát hay biển số xe mà chắc chắn tình trạng đấu giá ảo đối với mọi loại tài sản sẽ bị triệt tiêu. Bởi lẽ, với cơ chế "địa chỉ trách nhiệm", cơ quan quản lý tài sản sẽ thận trọng hơn trong việc định giá, tránh thất thoát, lãng phí; còn với chế tài phạt bỏ cọc, người tham gia đấu giá sẽ không dám "vung tay" tùy thích hoặc lợi dụng đấu giá để thực hiện ý đồ nào đó.

Sàn đấu giá có thực sự minh bạch, hiệu quả hay không; quyền lợi của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đấu giá có thực sự được đảm bảo hay không, mấu chốt nằm ở hành lang pháp lý do nhà nước xây dựng. Khi hành lang pháp lý ấy đủ chặt chẽ, chắc hẳn Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành sẽ không cần phải ban hành các chỉ đạo, kiến nghị "kiểm tra", "rà soát", "chấn chỉnh" sau mỗi cuộc đấu giá trăm tỉ, ngàn tỉ nữa.

Tiền lệ xấu từ đấu giá cát

Còn nhớ thời điểm năm 2021, vụ đấu giá mỏ cát sông Tiền tại An Giang với mức giá trúng đấu giá hơn 2.811 tỷ đồng gây xôn xao dư luận một thời gian dài sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, kết quả đấu giá mỏ cát này cũng bị hủy bỏ.

Tiếp đó đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 12 mỏ cát. Nhiều đơn vị tham gia đấu giá đã đẩy mức giá lên cao ngút để trúng đấu giá. Rất nhanh sau đó, các doanh nghiệp này trả mỏ, bỏ cọc.

Trở lại với 3 mỏ cát tại Hà Nội vừa được đấu giá thành công mới đây, tổng giá trúng đấu giá của các mỏ cát này là 1.684 tỷ đồng.

Trong đó, mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) có giá khởi điểm 19,2 tỷ đồng được đấu giá thành công với giá 883 tỷ đồng - cao gấp 45 lần giá khởi điểm. Một mỏ cát khác tại xã Châu Sơn (huyện Ba Vì) cùng trong phiên đấu giá này khiến dư luận cả nước choáng váng khi giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá là 397 tỷ đồng - cao gấp 141 lần giá khởi điểm. Mỏ Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có giá trúng đấu giá "ấn tượng" hơn nhiều, lên tới 408 tỷ đồng - cao gấp 200 lần so với giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, sau khi có thông báo bằng văn bản công nhận kết quả của công ty tổ chức đấu giá (chậm nhất sau 5 ngày cuộc đấu kết thúc), Sở sẽ chuyển hồ sơ để cơ quan thuế ra thông báo đơn vị trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ thuế

Chậm nhất sau 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định phê duyệt kết quả, cơ quan thuế thông báo tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp dưới 50 tỷ đồng thì nộp một lần theo thông báo của cơ quan thuế.

Do 3 mỏ cát trên đều có giá trúng lớn hơn 50 tỷ đồng nên tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nộp lần đầu tối thiểu 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác. Số tiền còn lại được thu nhiều lần với thời gian thu không quá 5 năm tính từ ngày được cấp phép khai thác.

Tính tới thời điểm này, các doanh nghiệp trúng đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội vẫn đang trong thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau đấu giá. Tuy nhiên, từ thực tế câu chuyện "đấu giá cao rồi bỏ cọc", liệu có diễn ra kịch bản tương tự các cuộc đấu giá cát với giá trúng đấu giá cao bất thường, rồi bỏ cọc?

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7072976856095343/