Bích Ngọc ·
44 tuần trước
 9036

Lộ diện doanh nghiệp thép đầu tiên báo lỗ 179 tỷ đồng năm 2023

Dù lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2023 đạt hơn 15,6 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ trong suốt 5 quý liên tiếp, thế nhưng khoản lợi nhuận này của Tisco cũng không thể bù đắp cho khoản lỗ trong 3 quý trước đó. Luỹ kế cả năm, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế 179 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu 2.741 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ).

Giá vốn tăng mạnh hơn ở mức 29%, làm biên lãi gộp giảm từ 6,95% (quý IV/2022) còn 4,62% vào quý IV/2023. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 126,6 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

So với cùng kỳ, hoạt động tài chính có phần kém sắc hơn khi doanh thu giảm 37,7% (đạt hơn 7,5 tỷ đồng).

Về chi phí, Tisco đã tiết giảm mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm gần 59% so với cùng kỳ (tương đương đạt 47 tỷ đồng). Chi phí tài chính cũng giảm 4% (đạt gần 42 tỷ đồng). Ngược lại, chi phí bán hàng tăng 19,5% (lên mức 22,3 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong quý IV Tisco phải ghi nhận một khoản lỗ khác hơn 5,5 tỷ đồng do phần chi phí khác vượt xa so với thu nhập khác. Cùng kỳ, khoản lỗ khác này chỉ ghi nhận hơn 2 tỷ đồng. Chi tiết các khoản thu và chi khác trong quý IV không được Tisco thuyết minh cụ thể.

Chốt quý IV, doanh nghiệp này báo lãi hơn 15,6 tỷ đồng, khả quan hơn khoản lỗ 16,8 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2022. Quý IV/2023 cũng đánh dấu việc Tisco chấm dứt chuỗi kinh doanh thua lỗ trong suốt 5 quý vừa qua kể từ quý III/2022.

Tuy vậy, phần lợi nhuận đạt được trong quý IV vẫn không thể bù đắp được khoản lỗ mà doanh nghiệp này đã ghi nhận liên tiếp trong 3 quý trước đó. 

Lũy kế năm 2023, doanh nghiệp này đạt hơn 9.530 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18,5% so với mức thực hiện năm 2022. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 179 tỷ đồng, trượt dài so với khoản lỗ 8,9 tỷ đồng ghi nhận năm 2022.

Tisco đã lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 lần lượt đạt 15.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 38,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một năm kinh doanh, Tisco đã không hoàn thành cả 2 chỉ tiêu đã đề ra.

Tính tới cuối năm 2023, Tisco có tổng tài sản đạt hơn 10.251 tỷ đồng (biến động không đáng kể so với đầu kỳ). Trong đó, hàng tồn kho đạt hơn 1.418 tỷ đồng (giảm 19%). Doanh nghiệp hiện đang trích lập dự phòng hơn 4,6 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho.

Được biết, Tisco đang ghi nhận hơn 6.629 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, số tiền mắc kẹt tại dự án cải tạo gang thép giai đoạn II đã “đắp chiếu” trong suốt 1 thập kỷ rưỡi qua. Từng là một trong những dự án trọng điểm của Tisco, dự án được khởi công vào năm 2007 và tạm dừng thi công năm 2013 liên quan đến những tranh chấp giữa chủ đầu tư là Tisco và nhà thầu là Tập đoàn luyện kinh Trung Quốc (MCC).

Đến năm 2022 dự án mới có dấu hiệu được hồi sinh khi MCC cử đoàn công tác đến làm việc tại Việt Nam để khảo sát, đánh giá, trao đổi về dự án. Đến ngày 25/4/2023, MCC đã gửi Tisco bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo đối với dự án này.

Nhu cầu thị trường xuất khẩu sẽ thế nào trong năm 2024?

Theo dự báo của WSA (Hiệp hội Thép thế giới), trong năm 2023 nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới hồi phục nhẹ ở mức 1,8% và tăng trưởng 1,9% vào năm 2024. Theo đó, sự hồi phục đáng kể ở đa phần các quốc gia như Châu Âu, Châu Á, Mỹ.... Trung Quốc là quốc gia chiếm trọng số lớn nhất và thiếu động lực tăng trưởng trong 2024 với dự phóng tăng trưởng tiêu thụ thép chỉ ở mức 0%.

VCBS cũng cho rằng giả định tăng trưởng này sẽ hợp lý trong bối cảnh nền tảng lãi suất của các quốc gia lớn như Châu Âu, Mỹ giảm xuống trong nửa cuối năm 2024 và không có trường hợp suy thoái kinh tế.

Tại các quốc gia chủ lực như Mỹ, EU, nhu cầu nhập khẩu thép có tốc độ hồi phục tốt trong 9 tháng 2023 tính từ đáy quý 4 năm 2022. Nhu cầu nhập khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục quán tính duy trì tích cực trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chênh lệch giá bán nội địa EU và Mỹ và khu vực Châu Á đang ở mức cao.

Đầu tư công tạo ra nhu cầu đối với thép. Trong năm nay, giải ngân đầu tư công chậm tiến độ khá nhiều. VCBS kỳ vọng năm sau đầu tư công sẽ bứt phá.

Bên cạnh đó, ngành BĐS nội địa dần phục hồi là bệ đỡ cho nhu cầu ngành vào 2024. Thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Nhìn vào số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Từ đó giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Điểm tiêu cực đến từ việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp.

Theo ước tính của VCBS, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 15% trước khi hồi phục 11% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7304574582935568/?