Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank, VPBank có hơn 40.000 doanh nghiệp, hạn mức cấp cho các doanh nghiệp là 240 nghìn tỷ đồng, tổng giải ngân hiện nay là hơn 60 nghìn tỷ, còn lại không giải ngân được vì nhiều lý do. Đấy là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, sự cạnh tranh trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại là rất quyết liệt. Thực tế, các nhà băng đang cạnh tranh giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí là cho vay để trả nợ các ngân hàng khác.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Điều này làm cho khả năng doanh nghiệp dịch chuyển từ vay ngân hàng này sang vay ngân hàng khác hoặc là đảo nợ cũ thành nợ mới để có lãi suất thấp hơn. Từ đó dẫn đến thực tế là tăng trưởng tín dụng chưa đạt yêu cầu.
Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank, bên cạnh những yếu tố khách quan (như tính thời vụ, sức cầu trong nước yếu, người dân thắt chặt chi tiêu khiến tín dụng trong những tháng đầu năm không thể tăng nhanh) thì còn có nguyên nhân chủ quan như thủ tục cho vay thiếu cởi mở, không mạnh dạn hoặc là yêu cầu về tài sản đảm bảo.
Chủ tịch Agribank cho rằng cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, hay là cho vay doanh nghiệp đang bị lỗ là vấn đề rất lớn mà các ngân hàng thương mại cũng e sợ. Các ngân hàng thương mại vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm nào từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ mà lại thiếu tài sản bảo đảm, hay giải ngân cho doanh nghiệp đang lỗ.
Lãnh đạo Agribank cho hay, theo tính chất hoạt động của ngành ngân hàng, khó khăn của ngành ngân hàng sẽ có độ trễ so với khó khăn của khách hàng vay. Điều này đang thể hiện trong số liệu nợ xấu của các ngân hàng.
Được biết, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã tăng từ mức 2,03% cuối năm 2022 lên 4,55% cuối năm 2023. Với tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay, nếu Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ không được kéo dài thời hạn hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Nợ xấu tăng thì áp lực trích lập dự phòng tăng khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm. Trong khi đó, việc cơ cấu nợ mới cũng phải dựa trên khả năng cho phép của mỗi ngân hàng thương mại.
Lo nợ xấu tăng, ngân hàng thận trọng khi cho vay
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính vì thế, chỉ sự nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là vẫn chưa đủ, cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.
Ông Hùng cũng đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng có vốn nhà nước tăng vốn điều lệ để tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. Cùng với đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tín dụng tăng chậm là do yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán, do đó 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.
Bên cạnh việc có doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu... thì vẫn có nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Khó khăn trong triển khai một số chương trình tín dụng như gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng...
Dù vậy, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng, xét duyệt vay do lo ngại nợ xấu tăng, làm cho giải ngân thấp.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn, đại diện NHNN cho biết cơ quan này sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định, điều hành theo hướng giảm lãi suất, khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí và công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Đồng thời, NHNN cũng đề xuất các bộ ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc, minh bạch tình hình tài chính.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7573884426004581/?