Hồ Hằng ·
1 năm trước
 1364

Lợi nhuận MB tăng trưởng âm trong quý IV/2022, tỷ lệ nợ xấu trên 1%

Quý IV/2022, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HOSE: MBB) ghi nhận sụt giảm khiến lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng âm.

Ghi nhận tăng trưởng âm

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đem về hơn 9.629 tỷ đồng thu nhập lãi thuần tăng hơn 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các mảng hoạt động khác của ngân hàng này đều ghi nhận sụt giảm.

Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hơn 1.223 tỷ đồng giảm nhẹ 9%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 12,7% xuống còn hơn 363,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 90% còn 5,6 tỷ đồng, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 60% xuống 72,38 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 50,3% về mức 451,488 tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh không tích cực đã kéo theo lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 tại MB chỉ đạt hơn 4.573 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý duy nhất ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm 2022.

Quý IV/2022, hoạt động kinh doanh của MBBank ghi nhận sụt giảm. 

Lũy kế cả năm 2022, nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn giữ đà tăng trưởng 28% nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn tăng 25,3% so với năm trước. Kết quả, MBB thu được 22,729 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 38% so với năm trước, vượt 12% kế hoạch.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng trưởng 15,3% đạt hơn 443.600 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt hơn 180.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trên tổng huy động vốn, là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.

Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 26,7%, đạt hơn 460.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tăng trưởng 25% đạt trên 507.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.

Nhiều ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng âm

Trong báo cáo tài chính quý IV, Nam A Bank cũng ngậm ngùi báo lãi giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm 4,6% xuống 359 tỷ đồng, nguyên nhân chính là chi phí hoạt động của ngân hàng tăng mạnh 53% lên hơn 1.055 tỷ đồng trong khi tổng thu nhập chỉ tăng 22%.

Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 8,5% lên 1.405 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp đôi lên 31,8 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng gấp 72 lần lên 290 tỷ đồng. Tuy nhiên một số mảng khác lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 13,7% xuống 62,8 tỷ đồng, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 98% xuốn 3,5 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế tại Nam A Bank đạt 2.268 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước và đạt 100,8% kế hoạch lợi nhuận năm (2.250 tỷ đồng).

Trong đó thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng đạt 5.119 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 32% so với năm trước đạt 274,9 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 57 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Các hoạt động kinh doanh khác tăng gấp 37 lần so với năm trước, từ gần 9 tỷ đồng lên 302 tỷ đồng.

Ngân hàng VietBank cũng ghi nhận lãi trước thuế quý IV/2022 giảm 53% xuống 113 tỷ đồng do sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận của các mảng kinh doanh. Tuy vậy ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 tăng 2,1% so với năm trước, đạt 649 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong quý IV, Ngân hàng TMCP An Bình là ngân hàng duy nhất lỗ với mức lỗ là 45 tỷ đồng.

Theo đó, quý IV/2022 thu nhập lãi thuần chỉ tăng 9% so với cùng kỳ 2021, đạt 951 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi đều giảm mạnh như chứng khoán kinh doanh giảm 90% còn 5 tỷ, chứng khoán đầu tư giảm 100% còn 1 tỷ đồng, …

Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế tại ABBak đạt 1.702 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và không hoàn thành kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng).

Phía ngân hàng cho biết do ảnh hưởng lạm phát, nhiều khoản chi phí phát sinh tăng so với 2021 và kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, năm qua hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động gây ảnh hưởng bất lợi, đến cuối năm ABBank thực hiện kết chuyển số dư tài khoản kinh doanh ngoại tệ bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như điều chỉnh danh mục đầu tư đã tác động đến lợi nhuận cả năm, chưa đạt kỳ vọng so với kế hoạch đại hội cổ đông đã thông qua.