Gia Bảo ·
1 năm trước
 8827

M&A bất động sản dự kiến sẽ tăng nhiệt trong năm nay

Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đây lại được coi là cơ hội đối với các nhà đầu tư lĩnh vực M&A rót vốn vào các dự án tiềm năng.

Dựa trên số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 9,2 tỷ đồng tức giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có hơn 30 nghìn doanh nghiệp tái gia nhập và giảm 3,7% so với năm 2022, các doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tái gia nhập khoảng gần 95 nghìn doanh nghiệp nhưng giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành BĐS khó vay vốn để thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng, đáo hạn trái phiếu.

Số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn khoảng 55,2 nghìn doanh nghiệp và tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục giải thể tăng 34,1% với 25,5 nghìn doanh nghiệp; doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thế tăng 6,5% khoảng 7,3 nghìn doanh nghiệp. Theo đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bình quân khoảng 17,6 nghìn doanh nghiệp/tháng.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản còn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều doanh nghiệp ngừng thực hiện các dự án mới cũng như phát hành cổ phiếu, thậm chí nhiều doanh nghiệp bất động sản còn thu hẹp quy mô đầu tư và cắt giảm đến 50% lực lượng lao động.

Cùng với đó, dựa trên báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, hiện các doanh nghiệp bất động sản hầu như đều gặp tình trạng đuối sức. Nếu tình hình thị trường vẫn đối mặt với khó khăn trong thời gian tới, sẽ có khoảng 23% doanh nghiệp duy trì hoạt động đến hết Q3 năm nay và chỉ có 43% doanh nghiệp trụ đến hết năm. Bên cạnh đó là nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp phải rút lui, nhiều người lao động mất việc gây ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hôi Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát lại nguồn lực cũng như các dự án hiện có, chỉ giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp đủ năng lực triển khai thực hiện.

Trong hơn một năm nay, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) ghi nhận sự tăng nhiệt dần.

Đáng chú ý, ông Đính cho biết khoảng hơn một năm nay, thị trường M&A đang dần trở nên sôi động hơn. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư cho M&A để có cơ hội mở rộng thị trường cũng như làm tăng tỷ suất lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là đối tượng nhà đầu tư đang có sẵn dòng tiền và sẵn sàng rót vốn cho các dự án có tiềm năng.

Đây được coi là hướng đi dành cho những nhà đầu tư sở hữu nhiều dự án “sạch” có thể bán dự án hoặc hợp tác tạo ra giá trị và lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời, đây cũng là phương án giúp doanh nghiệp xoay xở dòng tiền để trả nợ, tránh được tình trạng giải thể hoặc sử dụng nguồn tiền để thực hiện các dự án khác. Tránh được việc lãng phí tài nguyên đất và khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, tập đoàn Keppel và quỹ đầu tư Keppel Vietnam Fund (KVF) đã ký kết thỏa thuận ràng buộc nhằm mua lại 49% số cổ phần của hai dự án khu dân cư liền kề ở TP Thủ Đức của CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền với tổng chi phí phát triển khoảng 10.200 tỷ đồng. Theo dự kiến, cuộc giao dịch này sẽ được hoàn thành trong năm nay.

Theo lãnh đạo của Keppel chia sẻ, trong bối cảnh các doanh nghiệp đưa ra nhiều chiến lược đa dạng hóa các khoản đầu tư, thay vì tập trung vào Trung Quốc, Keppel sẽ đầu tư chủ yếu vào Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro.

Đánh giá về thị trường, Savills Việt Nam cho biết những khó khăn về nguồn vốn cùng vướng mắc về pháp lý kéo dài đã khiến các doanh nghiệp bất động sản trong nước phải tiếp cận nguồn vốn mới, do vậy hoạt động lĩnh vực M&A sẽ trở nên tăng nhiệt trong năm nay. Tuy thị trường Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.

Số liệu thống kê của Savills Vietnam cho thấy trong năm vừa rồi, các thương vụ M&A có tổng giá trị giao dịch đạt 1,7 tỷ USD, đạt mức kỷ lục trong 5 năm qua. Đến Q1/2023, giá trị giao dịch các thương vụ M&A đạt gần bằng cả năm ngoái, chủ yếu đều là dòng vốn ngoại. Có thể kể đến, Công ty Nam Long đã hoàn tất chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của Công ty TNHH Paragon Đại Phước.

Tuy nhiên, hiện có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa minh bạch về tài chính, đặc biệt, chưa có đơn vị kiểm toán độc lập. Điều này gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc quyết định tham gia các dự án.

Do đó, kể cả khi dự án đã hoàn thiện về pháp lý, thì quá trình thương lượng cũng thường kéo dài 1-1,5 năm. Vì vậy, nếu tính thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu gặp khó từ tháng 4/2022, thì sớm nhất phải đến cuối năm 2023 - đầu năm 2024 mới xuất hiện nhiều thương vụ thành công.

Dù giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư thâm nhập ngành và mở rộng danh mục đầu tư, nhưng để thị trường M&A thực sự sôi động, thì các vấn đề về tín dụng, trái phiếu và thanh khoản phải được tháo gỡ.