Kim Chi ·
1 năm trước
 6682

Sôi động hoạt động M&A trên thị trường bất động sản

Đúng như dự đoán của các đơn vị nghiên cứu, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản.

Số liệu cho thấy, cả năm 2022, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A đạt 1,7 tỷ USD, mức kỷ lục trong 5 năm qua. Sang quý I/2023, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dữ liệu thị trường cho thấy, các thương vụ M&A đã đạt giá trị gần bằng cả năm 2022. Đáng chú ý, hầu hết các thương vụ M&A là đến từ dòng vốn ngoại.

Sau khi hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ một dự án tại Bình Dương vào năm 2022 với giá trị gần 1.300 tỷ đồng, mới đây Gamuda Land tiếp tục mua lại dự án Elysian ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý sẽ là cú bắt tay giữa là CapitaLand và Vinhomes.

Theo nguồn tin từ Reuters, tập đoàn đến từ Singapore được cho là đang xem xét mua lại một phần dự án của Vinhomes với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Nếu thỏa thuận này thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây.

Số liệu từ Cushman & Wakefield, năm 2022, tính riêng bất động sản, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A đạt 1,7 tỷ USD. Như vậy nếu thương vụ trên thành công thì chỉ riêng một thương vụ này, đã đạt giá trị gần bằng cả năm 2022.

Các đơn vị nghiên cứu dự báo, hoạt động mua bán, sáp nhập bất động sản sẽ sôi động đến hết năm 2024. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Tuy nhiên, Cushman & Wakefield đánh giá đang có sự dịch chuyển dòng vốn từ thị trường miền Nam, ra thị trường miền Bắc.

"Thương vụ lớn này cho chúng ta thấy có sự hợp tác giữa vốn ngoại và các đối tác trong nước, cho thấy điểm chung của thị trường. Đặc biệt thương vụ cho chúng ta thấy thị trường nhà ở trước giờ tập trung mạnh về miền Nam, nhưng thương vụ trị giá lớn như vậy lại tập trung ở khu vực miền Bắc. Nó bắt đầu có sự dịch chuyển nhất định về phân khúc cũng như sự quan tâm từ các nhà đầu tư", bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Tổng Giám Đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết.

Nguyên nhân khiến hoạt động M&A tăng nhiệt được nhận định là đến từ sụt giảm thanh khoản và hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay. Savills Việt Nam cho biết, bên bán hiện đang có sự quan tâm rất lớn đến hoạt động M&A do họ đang cần tiếp cận thêm dòng vốn mới. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản như pháp lý, quá trình phê duyệt các dự án mới, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở.

"Sẽ có nhiều người bán hơn với muốn huy động vốn thông qua bán tài sản. Các hình thức M&A có thể kể đến như bán cổ phần dự án hoặc bán toàn bộ, bán quỹ đất hiện có hay bán bất động sản đang hoạt động. Có nhiều mức độ quan tâm đến M&A như vậy nên số lượng các chủ tài sản có nhu cầu bán là con số rất lớn, cao ấn tượng so với các năm trước. Ở bức tranh rộng hơn, nhu cầu và sự quan tâm sâu sắc của các nhà đầu tư đối với Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á với những nền tảng thu hút đầu tư tiềm năng", ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nhận định.

Các đơn vị nghiên cứu dự báo, hoạt động mua bán, sáp nhập bất động sản sẽ sôi động đến hết năm 2024. Tuy nhiên, hoạt động này còn phụ thuộc vào các yếu tố như phê duyệt quy hoạch, hay xác định tiền sử dụng đất… Các doanh nghiệp trong nước sự am hiểu văn hóa địa phương và khả năng tiếp cận được quỹ đất sẽ có lợi thế trong cuộc đua này.