Minh Anh ·
1 năm trước
 8325

Metro Nhổn - Ga Hà Nội đang vận hành đến đoạn nào?

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao sẽ vận hành vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới đây. Đồng thời các mạng lưới xe bus cũng đang được điều chỉnh hành trình để sẵn sàng cho việc vận hành.

Theo tiến độ, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có kế hoạch vận hành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào đầu quý III-2023. Để hành khách dễ dàng tiếp cận với metro, Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội (HPTC) đang khảo sát, xây dựng phương án điều chỉnh lộ trình mạng lưới các tuyến buýt theo hướng bố trí lại hành trình, các điểm dừng đỗ gần các ga tàu đã xây dựng trên dọc các tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Cầu Diễn - Minh Khai.

Theo tiến độ "chốt", đoạn trên cao metro Nhổn-Ga Hà Nội sẽ vận hành vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới đây. (Ảnh:ITN)

Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, dọc các tuyến đường trên hiện có 31 tuyến buýt đang hoạt động, có thể điều chỉnh, bố trí sắp xếp lại các điểm dừng đỗ để hành khách dễ dàng kết nối với tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy.

Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá. Qua khảo sát, lưu lượng khách có nhu cầu đi lại bằng xe buýt hàng ngày khoảng hơn 118.000 lượt người có nhu cầu đi lại bằng loại hình vận tải hành khách công cộng.

HPTC cho biết theo kế hoạch đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cung cấp, tuyến Nhổn - Hà Nội có thiết kế mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách. Hoạt động tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách).

Sau khi hoàn thiện phương án, năng lực trung chuyển, kết nối hành khách và giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, tại các ga dọc tuyến, dự báo sẽ có khoảng 15-20% người dân trên dọc QL 32 đoạn từ Cầu Giấy đi Nhổn sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc trục QL 32 từ Cầu Giấy đi Nhổn cũng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết đơn vị đã nghiên cứu tổ chức giao thông và sẵn sàng điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt theo phương án của Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội khi đoạn trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động.

Trong giai đoạn 1 vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, Sở GTVT Hà Nội tập trung điều chỉnh, bố trí hợp lý hành trình, các điểm dừng đỗ của 31 tuyến buýt đang hoạt động; giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai mở mới các tuyến buýt thành phố đã có kế hoạch để phục vụ kết nối hành khách với đường sắt đô thị.

Trước đó, Bộ GTVT có ý kiến chính thức về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và cơ bản đồng thuận với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro này.

Với những khó khăn, vướng mắc và thực tế đang triển khai, việc xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là cần thiết để tiếp tục triển khai, sớm đưa vào vận hành khai thác.

Theo Bộ GTVT, dự án đã gia hạn 2 lần nên UBND TP Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, có cam kết ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia, chế tài xử lý để có thể hoàn thành dự án theo tiến độ gia hạn (năm 2027), tránh trường hợp phải tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn tiến độ.

UBND TP. Hà Nội cần rà soát, giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến công tác GPMB, năng lực nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thực hiện.

Liên quan đến việc gia hạn hiệp định vay vốn với nhóm nhà tài trợ nước ngoài cho dự án, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP Hà Nội tham khảo ý kiến của nhà tài trợ về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Tại Tờ trình số 330/TTr-UBND, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ hoàn thành và tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Cụ thể, thời gian thực hiện dự án được đề xuất thay đổi từ năm 2009 - 2022 thành năm 2009 - 2027. Riêng đoạn trên cao sẽ được khai thác, vận hành trong năm 2022. Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng (tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng).

Tạ Nhị