Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, tính đến 28/3 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 âm. Còn nếu tính đến ngày 5/4 thì ước tăng khoảng 1%.
Về lãi suất, tính đến hết tháng 3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch mới phát sinh của hệ thống là khoảng 3%/năm, so với cuối năm 2023 giảm 0,5%. Còn lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh là 6,5%/năm, so với cuối năm 2023 giảm 0,6%.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trước những lo ngại về chậm tăng trưởng tín dụng, trong số nhiều giải pháp nêu lên, được nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện lãi suất. Theo đó, nhiều hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cho rằng lãi suất vẫn ở mức cao, khó tiếp cận vốn dù ngân hàng “thừa tiền”.
Khó khăn được nhắc đến nhiều ở câu chuyện tài sản thế chấp. Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính các doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào tình trạng có tài sản nhưng không đủ điều kiện pháp lý để vay vốn.
Chính vì thế, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhấn mạnh rằng hữu hiệu nhất để tháo gỡ là giải pháp “phi tín dụng”, đó là tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Theo vị này, việc thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở giá phù hợp, dù đã có những gói hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại, chẳng hạn như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Theo TS Trương Văn Phước - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một thực tế ở đây là khi tín dụng được “mở ra”, lãi suất giảm thì thể trạng doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn. Đây là hệ quả vĩ mô kéo theo từ giai đoạn dịch Covid-19.
Về câu chuyện của tỷ giá, chia sẻ tại hội thảo, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện nay nhóm xuất khẩu hàng đầu cũng ngại vay đô la với lãi suất trên 5%, thay vào đó là chờ những tín hiệu tích cực hơn.
Chính vì thế , ở thời điểm này, việc định giá tiền đồng thế nào cho phù hợp với thay đổi vĩ mô lại càng trở nên thách thức hơn với nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Ông Phước cho hay, trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong “tầm tay” của NHNN. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng không để cho mặt bằng lãi suất Việt Nam tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, bởi đây là “đánh đổi đắt giá nhất”.
Minh bạch lãi suất để tăng tính cạnh tranh
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), đặt vấn đề ngược lại là liệu có nên tăng tín dụng bằng mọi giá trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của thị trường còn yếu hay không.
Ông Khánh cho hay, ngân hàng vẫn phải tìm đúng khách hàng để cho vay. Nếu áp lực đẩy vốn ra nhanh quá với lãi suất thấp thì liệu rằng mấy năm nữa chất lượng tín dụng sẽ ra sao?
Chính vì vậy, vị này cho biết, hiện nay chính sách khơi thông tín dụng là cần thực hiện nghiêm túc câu chuyện chủ động công bố mức lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại để tạo lòng tin của thị trường, thậm chí là tỷ trọng giải ngân của từng mức lãi suất đã công bố.
Ông Khánh khuyến nghị, ngân hàng công bố những gì mình làm và làm những gì mà mình đã công bố. Còn về phía doanh nghiệp chấp nhận luật chơi thị trường thì phải tái cấu trúc doanh nghiệp, không thể yêu cầu ngân hàng cho vay dưới chuẩn.
Theo Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, tình trạng hiện nay là mặt bằng lãi suất được nhận định là ở mức thấp so với chục năm qua, tuy nhiên vẫn còn cao ở những khoản vay cũ chưa được điều chỉnh.
Theo đó, Phó thống đốc cho hay, để hạn chế tình trạng này, NHNN yêu cầu công bố lãi suất cho vay bình quân, điều chưa từng làm trước nay. Phải hạ lãi suất, thậm chí cần phải có tác động dư luận xã hội với những ngân hàng còn treo lãi suất cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người vay lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7650813811644975/