Bích Ngọc ·
4 tuần trước
 6599

Một doanh nghiệp ba tháng không bán được trái phiếu nào phải huỷ phát hành

Mới đây, Công ty cổ phần Thương mại du lịch Tân Thành đã thông tin về việc hủy đợt phát hành trái phiếu theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐQT/TTG ngày 25/03/2024.

Theo kế hoạch, mã trái phiếu TTRCH23260001 được phát hành từ ngày 29/12/2023. Tuy vậy, đến kết thúc đợt phân phối là ngày 26/3/2024, Công ty du lịch Tân Thành vẫn chưa bán được bất kỳ một trái phiếu nào.

Cụ thể, ngày 25/3/2024, doanh nghiệp đã hủy đợt phát hành trái phiếu vì điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành trái phiếu không thuận lợi.

Trước đó, ngày 02/03/2022, công ty Du lịch Tân Thành đã phát hành thành công lô trái phiếu có khối lượng 389.150 trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời gian đáo hạn là ngày 02/03/2025.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Đến ngày 10/10/2022, du lịch Tân Thành đã mua lại trước hạn 29,7 tỷ đồng. Theo đó, khối lượng còn lại lưu hành hiện hữu là hơn 9 tỷ đồng. Công ty cổ phần Chứng khoán HD là tổ chức lưu ký lô trái phiếu này.

Theo tìm hiểu, năm 2007, Công ty du lịch Tân Thành được thành lập. Khi mới thành lập công ty có tên là công ty Du lịch Hải Minh. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Ông Hùng Đình Thành (Sinh năm 1979) là đại diện pháp luật. bên cạnh đó, ông Thành cũng là đại diện pháp luật công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Khánh Đạt, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thành Công Group.

Đến tháng 5/2022, công ty Tân Thành có vốn điều lệ 1.650 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Du lịch Tân Thành hiện là chủ đầu tư dự án Khu du lịch Hải Minh (dự án Cross Long Hải) tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng vốn đầu tư Dự án là hơn 2.200 tỷ đồng, dự án dự kiến vận hành khai thác vào Quý II năm 2024.

Theo giới chuyên gia, trước đây các nhà đầu tư cá nhân thường ham chạy theo các trái phiếu được hứa hẹn lãi suất cao, mà không đánh giá hết rủi ro, không hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, của doanh nghiệp, của tổ chức phân phối trái phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện nay đã quan tâm hơn về các quy định của pháp luật, tìm hiểu kỹ thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đánh giá khả năng tài chính, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành. 

Trong tháng 2 năm 2024 thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì tình trạng ảm đạm khi tổng giá trị phát hành chỉ đạt 1.165 tỷ đồng (so với tháng trước giảm 45,8%), với kỳ hạn bình quân là 2,87 năm.

Theo Báo cáo của VIS Rating, giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, con số này thấp hơn đáng kể so với 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023.

Xu hướng giảm này là do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, nhất là đối với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như Bất động sản, Xây dựng và Năng lượng nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Theo đó, khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, đa phần là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Các doanh nghiệp này nhìn chung có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, thể hiện bởi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.

Bên cạnh đó, VIS Rating cũng xác định được có 17 trong 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị trái phiếu rủi ro chậm trả gốc/lãi) là các SPEs (công ty phục vụ mục đích đặc biệt) được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Những SPEs này có liên quan đến 6 nhóm công ty lớn, trong đó có 3 nhóm đã gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi ở các đối với các trái phiếu khác.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7611011242291899/?