Bích Ngọc ·
47 tuần trước
 6023

Một doanh nghiệp báo lỗ 30 tỷ, khối tài sản tỷ đô được tạo nên chủ yếu từ 16.000 tỷ nợ phải trả?

Mới đây, CTCP Xi măng Xuân Thành đã công bố tình hình tài chính năm 2022. Cụ thể, ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất gần 31 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 lãi gần 296 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 6.836 tỷ đồng, so với hồi đầu năm tăng 9%. Xi măng Xuân Thành  có giá trị tổng tài sản đã lên đến suýt soát tỷ đô (đạt 23.243 tỷ đồng) nhưng 70% tài sản được tài trợ bằng nợ.

Theo đó, với Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 2,4 thì tương đương giá trị nợ phải trả ở mức 16.407 tỷ đồng, trong đó có nợ trái phiếu là 2.119 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Xi măng Xuân Thành đã phát hành hai lô trái phiếu XTCCH2136001 và XTCCH2136002 vào năm 2021. Cả hai lô trái phiếu trên đều được phát hành thành 4 đợt có tổng giá trị phát hành lần lượt là 980 tỷ đồng và 1.160 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm, cùng thời gian đáo hạn vào ngày 6/2/2036.

Thông tin trong bản công bố về kết quả chào bán trái phiếu trong 3 đợt đầu của cả 2 lô trái phiếu này cho thấy, 4 kỳ tính lãi đầu tiên tính từ ngày phát hành có lãi suất áp dụng là 10,5%/năm. Đối với mỗi kỳ lãi suất sau lãi suất sẽ bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư kỳ hạn 24 tháng của ngân hàng MBBank và lãi suất huy động tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 24 tháng của TPBank) của kỳ tính lãi đó cộng với biên độ lãi suất (3,5%/năm hoặc tối thiểu 4,5%/năm).

Được biết, tổ chức phát hành sẽ dùng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu để tài trợ chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất clinker thuộc dự án đầu tư xây dựng dây chuyền số 3 – giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành với công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm tại xã Thanh Nghị và xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Tài sản đảm bảo của phiếu là bằng toàn bộ tài sản gắn liền với đất, toàn bộ động sản và quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng dây chuyền số 3 – giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành, cổ phần thuộc sở hữu của các cá nhân/tổ chức và các tài sản và biện pháp bảo đảm khác thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của tổ chức phát hành và/hoặc bên thứ 3 theo thoả thuận giữa các bên liên quan được bổ sung, thay thế tại từng thời điểm để bảo đảm cho các nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu.

Theo tìm hiểu, Xi măng Xuân Thành nằm trong hệ sinh thái của Xuân Thành Group (gồm ba nhà máy xi măng tại Quảng Nam, Hà Nam, Bình Phước) và được thành lập năm 2012. Hiện tại, vốn điều lệ là 6.168 tỷ đồng, chủ tịch HĐQT công ty là ông Nguyễn Xuân Thuỷ (SN 1988) Ông Thuỷ chính là em trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Mã: LPB) và người sáng lập CTCP Thaiholdings.

Được biết, Nhà máy Xi Măng Xuân Thành - Hà Nam được xây dựng trên địa phận xã Thanh Nghị – huyện Thanh Liêm – tỉnh Hà Nam đến thời điểm hiện tạ có tổng công suất là 5.5 triệu tấn xi măng/ năm/ hai dây chuyền.

Trong đó, dây chuyền sản xuất xi măng thứ 2 của nhà máy có thiết bị và công nghệ do tập đoàn Flsmith – Vương Quốc Đan Mạch thiết kế và cung cấp. Nhà máy sử dụng hệ thống lò quay phương pháp khô tiên tiến nhất thế giới công suất 12.500 tấn Clinker/ngày, tương đương với 4,5 triệu tấn xi măng/năm (lớn nhất thế giới).

Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung dây chuyền 3 xi măng Xuân Thành, Hà Nam vào Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2030 từ cuối năm 2016. Khi dây chuyền 3 đi vào vận hành đủ 100% công suất, tổng công suất sản xuất xi măng của nhà máy Xi măng Xuân Thành tại Hà Nam sẽ lên 10 triệu tấn/năm.

Trong nước, Xi măng Xuân Thành hiện đang có hơn 300 nhà phân phối với hàng nghìn đại lý tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm mang thương hiệu Xi Măng Xuân Thành còn vươn ra thị trường thế giới gồm: Trung Quốc, Nam Phi, Bangladesh, Philippines, Peru, El-Salvador…

Tạ Ngọc