Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7046

Thêm một doanh nghiệp báo lỗ có nợ gấp 8,4 lần vốn, dư nợ trái phiếu chiếm 199 tỷ đồng

Mới đây, CTCP Đường Man vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 khá bi quan, doanh nghiệp lại tiếp tục chìm trong thua lỗ 51,5 tỷ đồng, nhẹ hơn mức âm gần 92 tỷ đồng của năm 2021. Như vậy, Đường Man đã lỗ tới hơn 153 tỷ đồng chỉ trong hai năm.

Vốn chủ sở hữu của Đường Man tại thời điểm cuối năm 2022 giảm 50 tỷ xuống còn 158 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp này tiếp tục âm 0,33%.

Đáng nói, nợ phải trả của Đường Man tại thời điểm cuối năm 2022 gấp tới 8,4 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng 1.330 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 199 tỷ đồng (gấp 1,26 lần vốn chủ sở hữu và cao hơn nhiều so mức 0,95 lần của năm trước).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo dữ liệu lưu hành trái phiếu, Đường Man hiện có 1 lô trái phiếu mã DMBOND2017 đang lưu hành có tổng giá trị 200 tỷ đồng, lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 20/11/2017 và thời gian đáo hạn là ngày 20/11/2024.

Tại thời điểm phát hành, lô trái phiếu này có tài sản thế chấp là hệ thống dây chuyền mạ vàng của Đường Man có tổng giá trị gần 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2018, tài sản đảm bảo đã được thay đổi sang máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và thiết bị văn phòng.

Đường Man cho biết, trong kỳ 30/11/2021 công ty đã chậm thanh toán gần 5,5 tỷ đồng lãi lô trái phiếu này. Đến ngày 9/12/2021, công ty mới thực hiện thanh toán cho trái chủ. Phía công ty cho biết, nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa thu xếp đủ nguồn tiền thanh toán theo kế hoạch.  

Được biết, Đường Man được thành lập vào năm 2002, được biết đến là một doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất Malt – nguyên liệu chính để sản xuất bia. 

Bên cạnh đó, với số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, Nhà máy Đường Man được trang bị một dây chuyền sản xuất Malt hiện đại và hoàn toàn tự động của hãng Lausmann (Đức). Nhà máy có công suất là hơn 40.000 tấn/năm.

Thành công lớn nhất của doanh nghiệp này là trở thành một trong những nhà cung cấp Malt chính thức cho Tổng CTCP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB).

Theo tìm hiêu, Đại gia Nguyễn Hữu Đường (SN 1954) là Tổng giám đốc của Đường Man, nổi tiếng với biệt danh Đường "bia'.

Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Đường Man vào ngày 23/9/2021 được thay đổi từ ông Nguyễn Hữu Đường sang ông Trần Minh Thông (SN 1949).

Đại gia Đường "bia" cũng chính là Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) - người vừa qua đã gây xôn xao dư luận hồi đầu tháng 3 khi chào bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake với mức giá khởi điểm 250 triệu USD.

Vào năm 2014, CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 350 tỷ đồng. Trong đó, Hòa Bình Group chiếm 50%, Đường Man 45% vốn và CTCP Xây dựng và Sản xuất Thép Hòa Bình 5%. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia.

Theo đó, dự án nhà máy của CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình có công suất 150 triệu lít nước giải khát, 20 triệu lít bia/năm và 100 triệu lít nước tinh khiết/năm.

Bên cạnh mảng bia và đồ uống, đại gia Đường "bia" còn lấn sân sang bất động sản, vật liệu xây dựng, bán lẻ... Trong đó có các dự án bất động sản nổi tiếng gồm: Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội); Hòa Bình Green City (Hà Nội)...

Hòa Bình Group hiện có 7 công ty thành viên gồm: CTCP xây dựng và sản xuất thép Hòa Bình, CTCP Trung tâm Thương mại V+ Hòa Bình, CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình, Công ty TNHH in ấn và sản xuất bao bì Thuận Phát, CTCP Quốc tế Inox Hòa Bình, CTCP Đường Man, Công ty Liên doanh Rượu Việt - Pháp.

Tạ Ngọc