Ngụy Anh ·
1 năm trước
 7252

Một doanh nghiệp có nợ phải trả cao gấp gần 119 lần vốn chủ sở hữu, đó là doanh nghiệp nào?

Dựa vào báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức 118,77 lần. Trong khi doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu là 33,8 tỷ đồng, tương đương với nợ phải trả là 4.018 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường (Công ty Hoàng Trường) có vốn chủ sở hữu là 33,8 tỷ đồng, so với âm 98,7 tỷ đồng trong năm 2021 thì đây một con số khả quan.

Đặc biệt, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này ở mức cao ngất ngưởng là 118,77 lần, có nghĩa là nợ phải trả của doanh nghiệp này đạt mức 4.018 tỷ đồng.

Trong đó dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu ở mức 41,39 lần, qua đó cho thấy dư nợ trái phiếu là hơn 1.400 tỷ đồng, so với thời điểm cuối năm 2021 thì tăng nhẹ.

Trong khi đó, trong năm 2022 Công ty Hoàng Trường lỗ sau thuế 267,4 tỷ đồng, con số trên giảm nhẹ so với năm 2021 (doanh nghiệp này cũng báo lỗ sau thuế 298 tỷ đồng vào năm 2021).

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Công ty Hoàng Trường cao ngất ngưởng. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Công ty Hoàng Trường hiện đang lưu hành lô trái phiếu HTCH2024001 có giá trị 1.400 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, phát hành ngày 21/12/2020 và đáo hạn ngày 21/12/2024 với lãi suất 9,3%/năm. Trong đó tổ chức lưu ký/đăng ký là Công ty cổ phần Chứng khoán VPbank.

Vừa qua vào ngày 16/3, Công ty Hoàng Trường đã công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Trong đó, ngày 5/1/2022 và ngày 5/7/2022, doanh nghiệp đã chi hơn 197 tỷ đồng để thanh toán lãi cho lô trái phiếu mã HTCH2024001.

Công ty Hoàng Trường có trụ sở tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội và được thành lập vào năm 2014. Đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Theo dữ liệu của HNX cho thấy, vốn điều lệ của công ty hiện đang ở mức 900 tỷ đồng. Theo đó, bà Nguyễn Thị Trâm Anh là người đại diện theo pháp luật kiêm Hội đồng thành viên, Giám đốc của doanh nghiệp. Ngoài Công ty Hoàng Trường, bà Nguyễn Thị Trâm Anh hiện còn đang là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn An Thành.

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, các doanh nghiệp chưa đại chúng đã lần lượt công bố một số chỉ tiêu tài chính cơ bản trong năm 2022. Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản là doanh nghiệp dự án và đây là lần đầu thông tin tài chính của các doanh nghiệp được hé lộ.

Về nguyên tắc, khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn cũng đồng nghĩa khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Trong đó, nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu có thể giúp các nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, vì vậy họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.

Về rủi ro kinh doanh, có thể doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Chính vì thế, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.