Bích Ngọc ·
46 tuần trước
 7237

Một doanh nghiệp muốn phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6 với mục đích đảo nợ?

Được biết, theo dự kiến Becamex muốn huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu với mục đích thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn của các khoản nợ trái phiếu của công ty. Vào cuối tháng 3/2023, tổng trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả trong vòng 1 năm của doanh nghiệp này là hơn 917 tỷ đồng.

Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex - Mã: BCM) đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023, theo đó tổng giá trị 1.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Công ty cho hay, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của Becamex và kỳ hạn không quá 2 năm. Dự kiến thời gian phát hành trong tháng 6 này.

Cũng theo dự kiến, lãi suất tối thiểu cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 13%/năm, cứ ba tháng trả lãi một lần. Mức lãi suất của các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng tổng của 3,5% và lãi suất sản phẩm tiết kiệm trung dài hạn linh hoạt VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng MB Bank.

Được biết, dòng tiền thanh toán trái phiếu sẽ đến từ nguồn thu từ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, các dự án khác thuộc Becamex và nguồn thu hợp pháp khác từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự kiến, số tiền huy động từ đợt phát hành trái phiếu Becamex sẽ dùng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn của các khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp.

Về hoạt động kinh doanh, Becamex ghi nhận doanh thu thuần đạt 791,4 tỷ đồng trong quý I/2023, so với cùng kỳ giảm 44,8% và lợi nhuận sau thuế 74,43 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 81%, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 406,4 tỷ đồng,  so với cùng kỳ giảm 99%.

Báo cáo tài chính quý 1/2023 của Becamex cho thấy, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của doanh nghiệp này là 16.488 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nguồn vốn. Trong đó, 5.638 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và nợ vay dài hạn là 10.849 tỷ.

Tổng trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả (trong vòng 1 năm) là hơn 917 tỷ đồng. Trong đó, của Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) là  399 tỷ đồng, còn lại 518 tỷ đồng là các cá nhân khác.

Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu thường dài hạn là khoảng 8.964 tỷ đồng. Trong đó, các trái chủ bao gồm: các ngân hàng MB Bank, BIDV, Shinhan bank, TP Bank, Navibank, Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam, Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank,… 

Trong năm nay, Becamex đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.460 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 19,07% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.263 tỷ đồng, tăng 32,03% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, Becamex chỉ mới hoàn thành 3,3% kế hoạch lợi nhuận năm khi kết thúc quý đầu năm 2023.

Doanh nghiệp bất động sản "còng lưng" trả hàng nghìn tỷ đồng lãi vay

Bất động sản là một phân khúc đặc thù cần dùng nguồn vốn lớn, do đó mỗi ngày nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đang bị tiền lãi vay bào mòn lợi nhuận.

Trong quý I/2023, các doanh nghiệp bất động sản lần lượt báo cáo kết quả kinh doanh tương đối trầm lắng với doanh thu lao dốc, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn báo lỗ ngay quý đầu năm.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói mỗi ngày có gần 4 doanh nghiệp bất động sản giải thể.

Ngoài ra, dù đã ban hành các cơ chế của ngân hàng về việc hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản nhưng vẫn chưa đủ độ “ngấm”. Chưa kể với ngành đặc thù như bất động sản và đặc biệt là trong bối cảnh thị trường khó, doanh nghiệp luôn phải sử dụng đòn bẩy tài chính cao do đó chi phí để trả lãi vay nhiều khi đã bào mòn mọi lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tạ Ngọc